Ô-xtrây-li-a kéo dài lệnh phong tỏa tới cuối tháng 9
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 6-9, giới chức Ô-xtrây-li-a thông báo quyết định kéo dài thêm hai tuần lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thành phố Men-bơn, với lý do số ca mắc Covid-19 mới tuy giảm song vẫn chưa đủ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 6-9, giới chức Ô-xtrây-li-a thông báo quyết định kéo dài thêm hai tuần lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với thành phố Men-bơn, với lý do số ca mắc Covid-19 mới tuy giảm song vẫn chưa đủ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới.
Lệnh phong tỏa kéo dài sáu tuần tại Men-bơn dự kiến sẽ kết thúc vào tuần tới, song Thủ hiến bang Vích-to-ri-a thông báo biện pháp này vẫn được duy trì tới ngày 28-9, do bang này có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba vào giữa tháng 11 tới nếu mở cửa trở lại quá nhanh.
* Ngày 6-9, Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Ðộ cho biết, số ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày lên tới mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 90 nghìn ca trong khi số ca tử vong mới là 1.065 ca. Hiện Ấn Ðộ đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, chỉ đứng sau Mỹ và Bra-xin.
* Sáng 6-9, Hàn Quốc đã xác nhận 167 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ tư liên tiếp số ca mắc mới dưới 200 ca. Hàn Quốc đã quyết định kéo dài thêm một tuần các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với các nhà hàng, tiệm bánh và quán cà-phê tại vùng Xơ-un rộng lớn, trong bối cảnh số ca mắc tại khu vực này tiếp tục tăng.
* Hãng thông tấn FARS của I-ran cho biết, I-ran và Nga sẽ hợp tác để sản xuất vắc-xin phòng Covid-19. I-ran hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tại Trung Ðông với hơn 22 nghìn ca tử vong và hơn 384 nghìn ca mắc. I-ran đã mở cửa trở lại trường học từ ngày 5-9 với các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
* Liên hợp quốc thông báo đã gây quỹ được gần 95 triệu USD để giúp ngăn chặn dịch trong các trại tị nạn đông đúc của người Pa-le-xtin ở khắp khu vực Trung Ðông. Theo đó, số tiền quyên góp 94,6 triệu USD sẽ đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của khoảng 5,6 triệu người tị nạn Pa-le-xtin ở Trung Ðông từ nay đến cuối năm.
* Tại Mỹ, thành phố Niu Oóc đã hoãn mở lại trường học đến ngày 21-9 trong bối cảnh nhiều trường đại học ghi nhận các ca nhiễm tăng cao sau khi học kỳ mùa thu khai giảng. Giới chức y tế Mỹ và hãng Pfizer thông báo vắc-xin phòng Covid-19 có thể sẽ được lưu hành vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới. Tuy nhiên, Viện quốc gia Mỹ về bệnh truyền nhiễm và dị ứng cảnh báo về độ an toàn và hiệu quả của các loại vắc-xin sắp được tung ra vào cuối năm 2020.
* Theo cuộc khảo sát do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố, khoảng 96% số người dân Anh đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh. Con số này là 98% ở Xcốt-len, xứ Ing-lân là 97% và xứ Uên là 73%. Ngoài ra, khoảng 53% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ các biện pháp phong tỏa đối với vùng dịch.
* Trong khi xu hướng đeo khẩu trang để ngăn Covid-19 gia tăng tại Anh, thì I-ta-li-a và Crô-a-ti-a lại chứng kiến sự phản đối của người dân về việc sử dụng khẩu trang. Cuộc biểu tình thu hút hàng nghìn người tham gia tại I-ta-li-a diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 liên tục gia tăng trong năm tuần qua ở nước này.
* Hàng nghìn người Crô-a-ti-a biểu tình tại thủ đô Da-grép nhằm phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ. Bộ trưởng Y tế Crô-a-ti-a chỉ trích cách tiếp cận phản khoa học đối với dịch Covid-19 của những người biểu tình. Kể từ giữa tháng 7, đeo khẩu trang đã trở thành điều bắt buộc tại Crô-a-ti-a.
* Ngày 6-9, ba nước Xlô-va-ki-a, Séc và Hung-ga-ri ghi nhận số ca mắc bệnh cao nhất trong một ngày. Giới chức các nước nêu trên đều đang nỗ lực tìm cách để tránh không phải áp đặt các biện pháp phong tỏa trên diện rộng như khi mới bắt đầu xảy ra đại dịch, vốn gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế.
* Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp O.Vê-ran khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước dịch bệnh bởi trong hai tuần tới, có thể có thêm nhiều người bệnh nặng phải chữa trị trong khoa hồi sức cấp cứu.
* Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo nước này bắt đầu chuyển viện trợ y tế tới 30 nước châu Phi. Ðợt viện trợ này trị giá 4 triệu USD, là một phần trong đóng góp của Ai Cập cho Quỹ chống Covid-19 của Liên minh châu Phi (AU).
* Ngày 6-9, các cơ quan chức năng Việt Nam, Ðại sứ quán Việt Nam tại Phi-li-pin và Hãng hàng không VietJet phối hợp các cơ quan chức năng Phi-li-pin đưa hơn 240 công dân Việt Nam từ Phi-li-pin về nước, trong đó có phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, trẻ em dưới 18 tuổi, sinh viên không có nơi lưu trú, lao động hết hạn hợp đồng, người đi du lịch bị mắc kẹt và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.