Theo nhận xét của các chuyên gia quân sự đến từ tờ Sina của Trung Quốc, oanh tạc cơ PAK DA - tổ hợp hàng không tầm xa đầy hứa hẹn của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga sẽ khiến cho NATO gặp nhiều vấn đề.
Máy bay ném bom tàng hình chiến lược PAK DA là chìa khóa cho khả năng răn đe hạt nhân từ trên không của Nga, nó cùng với tàu ngầm chiến lược và bệ phóng triển khai trên mặt đất tạo ra bộ ba răn đe đáng sợ.
Theo dữ liệu được công bố, máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới do Nga phát triển sẽ có hai đặc điểm chính: thứ nhất là khả năng tán xạ sóng radar vượt trội và thứ hai là tải trọng bom đạn rất cao.
Ngoài ra, PAK DA còn có thể mang tên lửa hành trình để tấn công mục tiêu một cách hiệu quả. Và sau khi tiếp nhiên liệu trên không, phương tiện này sẽ vượt qua quãng đường dài để thực hiện các cuộc tấn công xuyên đại dương.
Tờ báo Trung Quốc tin rằng máy bay ném bom tàng hình của Nga sẽ không chỉ được sử dụng trong các cuộc xung đột quân sự quy mô lớn, mà còn có khả năng ném bom thông thường trong những trận chiến cục bộ.
Chuyên gia quân sự của tờ Sina viết: “Từ quan điểm khái niệm, đây thực sự là một chiếc máy bay đặc biệt, cho thấy sức mạnh không thể bàn cãi của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga".
Thông tin mở đầu tiên liên quan đến tổ hợp hàng không tầm xa đầy hứa hẹn đã xuất hiện vào tháng 3/2017. Để giảm tầm nhìn của radar, máy bay ném bom tàng hình PAK DA được thiết kế theo sơ đồ "cánh bay".
Chiếc máy bay ném bom chiến lược mới sẽ thay thế cả ba loại đang được sử dụng bao gồm Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160, nó dự kiến được trang bị tên lửa siêu thanh tầm xa và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, máy bay ném bom tầm xa của Nga sẽ nhận được các hệ thống tác chiến điện tử tinh vi nhất, giúp đối phó với mọi mối nguy cơ. Vào năm 2020, việc bắt tay lắp ráp các mẫu thử đầu tiên của PAK DA bắt đầu.
Hiện tại chưa có hình dáng cụ thể dù chỉ là mẫu thử nghiệm mặt đất của PAK DA, tuy nhiên giới chức quân sự Nga kỳ vọng phương tiện tác chiến tương lai của mình có thể cất cánh vào khoảng thời gian sau năm 2025.
PAK DA được nhận xét sẽ vượt trội B-2 Spirit của Mỹ, nhưng cũng giống như nhiều mẫu vũ khí thế hệ mới được Nga giới thiệu gần đây, tính năng kỹ chiến thuật của Poslanhik phảo đối diện với sự nghi ngờ không hề nhỏ.
Không chỉ có vậy, vô số chương trình "siêu vũ khí" của Nga đang diễn ra một cách vô cùng chậm chạp, điển hình như tiêm kích tàng hình Su-57 Felon, xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata... chưa có gì đảm bảo PAK DA sẽ tránh được tình cảnh trên.
Vấn đề nữa cần phải nhắc tới đó là B-2 Spirit của Mỹ là chiếc máy bay ném bom tàng hình đã 30 tuổi, nó đi trước PAK DA một quãng đường rất xa, nhưng hiện nay Nga mới chỉ cố gắng theo đuổi khái niệm "cánh bay".
Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, tức là PAK DA vào biên chế Không quân Nga đầu những năm 2030, khi đó phi đội B-2 của Mỹ đã được cho nghỉ hưu để nhường lại vị trí cho chiếc B-21 Raider thế hệ mới, tức là PAK DA có nguy cơ lạc hậu ngay khi mới ra đời.
Bạch Dương