Mỹ tiếp tục chứng minh khả năng đi đầu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Sau khi máy bay ném bom tàng hình B-2 thể hiện rõ sức mạnh, thì không dừng lại ở thành công này, Mỹ tiếp tục phát triển thế hệ máy bay ném bom tàng hình mới mang định danh B-21.
Tập đoàn quốc phòng Mỹ Northrop Grumman tối 2/12/2022 ra mắt oanh tạc cơ tàng hình B-21 Raider trong buổi lễ tại Nhà máy số 42 ở Palmdale, bang California.
Sau đó Mỹ tiếp tục rò rỉ các hình ảnh hiếm liên quan đến oanh tạc cơ chiến lược mới này.
Ở các góc chụp này, B-21 có nhiều điểm tương đồng với phiên bản tiền nhiệm B-2 ở giao diện. Tuy nhiên, B-21 được xem là phiên bản nâng cấp đáng kể.
Phi cơ xuất hiện trong sự kiện mang tên mã T1, đang trải qua giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất và dự kiến thực hiện chuyến bay thử đầu tiên ngay trong năm nay.
Nhà phát triển cho biết đã có tt nhất 5 nguyên mẫu khác cũng đang trong quá trình sản xuất.
Đây là mẫu oanh tạc cơ đầu tiên được Mỹ ra mắt kể từ thập niên 1980, thời điểm dòng B-2 Spirit được đưa vào biên chế.
Nhà sản xuất Northrop Grumman tuyên bố đây là "oanh tạc cơ tàng hình thế hệ 6 đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới".
Không quân Mỹ dự kiến đặt mua khoảng 100 máy bay B-21, nhằm thay thế oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer và B-2 Spirit trong hàng chục năm tới.
Mỗi chiếc B-21 có giá xuất xưởng 690 triệu USD, chưa kể chi phí nghiên cứu và sản xuất, trong khi toàn bộ dự án có trị giá khoảng 203 tỷ USD.
"B-21 sẽ là xương sống của lực lượng oanh tạc cơ chiến lược Mỹ trong tương lai", phát ngôn viên không quân Mỹ Ann Stefanek nói.
"B-21 có tầm bay, khả năng tàng hình và kho vũ khí đủ sức xâm nhập các môi trường tác chiến phức tạp nhất, cho phép đe dọa mọi mục tiêu trên toàn cầu", ông Ann Stefanek cho biết thêm.
B-21 Raider (Kẻ tập kích) sở hữu thiết kế cánh bay giống dòng B-2 Spirit ra đời năm 1989.
Dù tính năng chưa được tiết lộ nhiều, B-21 nhiều khả năng được tích hợp công nghệ tàng hình tối tân, khả năng hoạt động tầm xa, mang theo nhiều vũ khí và có thể sẽ có năng lực tự động hóa.
Ngoài mang nhiều bom đạn, nó được cho là oanh tạc cơ thông minh về cảm biến, mạng kết nối và năng lực hợp nhất dữ liệu cùng khả năng phát động chiến tranh điện tử và trinh sát.
"Tầm bay và năng lực tàng hình của B-21 vượt xa yêu cầu do không quân Mỹ đưa ra, trong khi thiết kế hệ thống mở sẽ giúp nhà sản xuất dễ dàng nâng cấp phi cơ trong tương lai" CEO Northrop Grumman Kathy Warden nói.
"Phương thức sản xuất dòng B-21 cũng khiến quá trình bảo dưỡng thân vỏ và thiết bị bên trong dễ dàng hơn nhiều so với máy bay B-2", bà Kathy Warden nhấn mạnh.
Một khi B-21 vào biên chế, chúng sẽ thay thế dần những nhiệm vụ mà B-2 đang đảm nhiệm trong vai trò tấn công đột nhập vào mạng lưới phòng thủ dày đặc của đối phương để không kích phá hủy những mục tiêu quan trọng.
Mỹ cũng nhấn mạnh, B-21 được chế tạo với kết cấu mở, cho phép tích hợp "các loại vũ khí mới thậm chí còn chưa được phát minh".