Ốc đảo Chòm Mốt

Nằm giữa một bên núi, một bên sông, từ bao đời nay, người dân thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) gần như sống biệt lập với bên ngoài. Để tìm con chữ, tìm việc làm, học sinh và người dân phải đi thuyền qua sông, rất vất vả và nguy hiểm.

Người dân Chòm Mốt qua sông bằng con đò cũ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Đình Minh.

Người dân Chòm Mốt qua sông bằng con đò cũ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: Đình Minh.

20 năm lái đò

Nằm cách trung tâm xã Lương Trung khoảng 3km, thôn Chòm Mốt như một ốc đảo bị ngăn cách với cuộc sống bên ngoài bởi dòng sông Mã. Người dân nơi đây muốn di chuyển ra bên ngoài thì phải đi thuyền vượt sông hoặc phải đi qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang xã Điền Lư, huyện Bá Thước và ba là đi qua con đường đất lầy lội, trũng thấp, thường xuyên ngập nước và bùn dài hơn 3km dẫn sang xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy.

Đi gần 100km từ TP Thanh Hóa lên huyện miền núi Bá Thước rồi đi thuyền qua sông, sang Chòm Mốt, người đầu tiên tôi gặp là anh Đỗ Văn Giáp (50 tuổi) đang tất tả đưa học sinh, người dân qua sông. Theo anh Giáp, anh đã làm công việc lái đò suốt 20 năm qua. Điều khiến anh nhớ nhất là vào năm 2017, khi các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn đột ngột xả lũ khiến mực nước dâng cao, suýt nhấn chìm chuyến đò chở hàng chục cháu học sinh đến trường. “Đó là một ngày trời mưa không quá to nhưng nước lại chảy xiết. Tôi đã định cắt đò nhưng trước yêu cầu của mọi người nên vẫn đánh liều chở nốt chuyến cuối. Khi con đò gần về tới bờ thì một dòng nước ào ào như thác đổ, lao tới rất nhanh. Bằng hết sức bình sinh, tôi cố khua mái chèo để con thuyền vào bờ trước khi tất cả bị cuốn phăng đi” - anh Giáp kể và cho biết, 20 năm làm nghề đưa đò, anh cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi khi lái những chuyến đò cập bến an toàn.

Học sinh ở Chòm Mốt vượt sông đến trường trên chiếc bè đơn sơ. Ảnh: Đình Minh.

Học sinh ở Chòm Mốt vượt sông đến trường trên chiếc bè đơn sơ. Ảnh: Đình Minh.

Thôn đặc biệt khó khăn

Đò cập bến, chia tay anh Giáp, tôi đi một vòng quanh thôn để thấy rõ hơn cuộc sống của con người nơi đây. Sự tiêu điều là cảm giác đầu tiên mà tôi cảm nhận khi thấy những gian nhà nhuốm màu đất, các mái ngói bạc phếch theo thời gian, rêu phong bám đầy tường, vôi, vữa rơi khắp nền nhà. Những con đường cũng vậy, tuy đã được bê tông nhưng lởm chởm ổ voi, ổ gà, nhiều đoạn xuống cấp đến mức bị đứt lìa, vỡ nát.

Ông Bùi Văn Điệp - Trưởng thôn Chòm Mốt cho biết: Hiện nay, thôn đang trong diện đặc biệt khó khăn của huyện với 135 hộ, 616 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. “Hiện trong thôn có 135 hộ dân với 616 nhân khẩu nhưng có tới 56 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo, cả thôn sống dựa vào 15,5ha đất trồng lúa, 17,5ha trồng ngô, 19ha trồng tre, luồng… Ngoài ra, bà con có nuôi thêm gà, ngan, vịt, lợn… nhưng chủ yếu là để tự phục vụ chứ không bán được vì việc đi lại rất khó khăn” – ông Điệp nói.

Bất cập không chỉ đến từ giao thương mà xảy ra trong lĩnh vực y tế, học tập và xây dựng. Khi các hộ dân ở Chòm Mốt muốn xây, sửa nhà, họ phải đợi trời nắng ráo, đổ đá dăm thì các xe công nông mới chở vật liệu trên con đường đất nối từ huyện Cẩm Thủy qua được, dẫn tới cước vận chuyển tăng. Tại thôn Chòm Mốt, có 40 em học sinh lớp 4 - 5, 25 em học sinh cấp THCS, 15 em học sinh THPT, ngày ngày các em vẫn đang phải vượt sông để đến trường. Khi thủy điện xả lũ, mực nước sông Mã dâng cao, chảy xiết, khi mưa bão là gần như các em buộc phải nghỉ học.

Theo thống kê, ở Chòm Mốt hiện nay đa phần chỉ còn người già, trẻ em và một số lao động bám địa bàn làm nông nghiệp, canh tác trên đất rừng sản xuất. Vốn đã biệt lập với bên ngoài, nay lại thưa thớt người càng làm cho khung cảnh nơi đây thêm vắng lặng.

Ông Trương Ngọc Thụ - Chủ tịch UBND xã Lương Trung chia sẻ: Bà con rất vất vả, đi ra đường lớn xa xôi, cách trở, việc kết nối với bên ngoài gần như phụ thuộc vào thuyền bè. Bao đời nay rồi, mỗi lần thấy lũ trẻ nô đùa rồi leo lên thuyền, tôi lo lắm, nhưng rồi cũng chỉ biết nhắc nhở chủ đò đảm bảo an toàn, mặc áo phao cho các cháu. Để khắc phục khó khăn, từ nhiều năm trước, người dân, chính quyền xã Lương Trung đã kiến nghị xây cầu. “Vừa rồi, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lên tiếp xúc cử tri, chúng tôi tiếp tục kiến nghị nhưng rồi cũng mắc vì câu chuyện thiếu kinh phí” - ông Thụ cho biết.

“Chúng tôi xin huyện và huyện đã đồng ý hỗ trợ xã Lương Trung để mua một con thuyền mới, to hơn chiếc cũ vào cuối năm nay. Còn việc xây cầu, huyện cũng trả lời là đã đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để triển khai thì cũng chưa biết đến bao giờ” - ông Trương Ngọc Thụ - Chủ tịch UBND xã Lương Trung cho biết.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/oc-dao-chom-mot-10266877.html