Ðọc Ký ức Him Lam để sống lại một thời hào hùng

Hướng tới kỷ niệm 59 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử, trong đó có trận thắng mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và kỷ niệm 45 năm Ngày bảy cán bộ của Cục Tuyên huấn hy sinh trong chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lễ tưởng niệm các liệt sĩ và ra mắt cuốn sách Ký ức Him Lam vừa được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội.

Sách mới

Ðây là sự kiện do Ban liên lạc cựu chiến binh Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị phối hợp Nhà xuất bản Lao động, gia đình Trung tá, liệt sĩ Lê Nam và thân nhân các liệt sĩ tổ chức. Ðoàn cán bộ đi công tác trong chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh có Trung tá Lê Nam, phái viên của Tổng cục Chính trị tại Bộ Tư lệnh mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh. Ðồng chí Lê Nam, nguyên là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, người đã trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh tiêu diệt cứ điểm Him Lam tại Ðiện Biên Phủ.

Ðã nhiều năm tháng trôi qua, Ðiện Biên Phủ vẫn là một bản giao hưởng hoành tráng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, của tình yêu đất nước thiết tha, sự anh dũng vô bờ bến của quân và dân ta, trong đó khúc dạo đầu chính là chiến thắng Him Lam lịch sử. Cuốn sách Ký ức Him Lam do Nhà xuất bản Lao động ấn hành của tác giả Ðại tá Mạc Ninh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội chấp bút, đã giúp người đọc hình dung về một thời gian khổ hào hùng trong quá trình chuẩn bị cùng tinh thần quyết tâm chiến đấu và giành chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trong đó nổi bật là hình ảnh tập thể chỉ huy và bộ đội Trung đoàn 141 trong giờ phút quyết định đã quả cảm chiến đấu trên tuyến đầu mở cửa đột phá vào trung tâm cứ điểm trong trận đánh Him Lam. Người đọc xúc động được sống lại với không khí "cả nước ra trận" trước giờ nổ súng, hiểu được sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến dịch được thông suốt từ trên xuống dưới, từ cấp chỉ huy đến người lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ tưởng như không thể vượt qua để "bớt tổn hao xương máu". Qua những trang sách, những nhân vật lịch sử một thời được tái hiện sinh động, đó là đồng chí Tư lệnh Ðại đoàn 312 Lê Trọng Tấn, nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, những chiến sĩ ở tiểu đội mũi nhọn Trần Can, Anh hùng Phan Ðình Giót. Bên cạnh sự khốc liệt của đạn bom, có cả những hình ảnh pha chút lãng mạn với hình ảnh cả đoàn xung kích rầm rập tràn lên cứ điểm trong âm nhạc trầm hùng của bản Tiến quân ca và Quốc tế ca do tổ văn công của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận thực hiện ngay ở tuyến hào xuất phát giữa tiếng hô xung trận của bộ đội và tiếng đại bác gầm vang. Không chỉ tái hiện quá khứ, cuốn sách còn phản ánh cả cuộc sống hôm nay của những người từng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Trong đó có những bài viết đã từng được đăng tải ở nhiều báo, thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có các bài: Người dũng sĩ cắm cờ trên đồi Him Lam, Thăm nhà người Anh hùng lấp lỗ châu mai, Sự tích một bài ca hay từ Ðiện Biên đến Ðường 9 - Khe Sanh.

Người được nhắc đến nhiều lần trong cuốn sách là Trung tá, liệt sĩ Lê Nam, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141. Người chiến sĩ Ðiện Biên ấy, sau ngày tiếp quản Thủ đô năm 1954, được điều động phụ trách Phòng Giáo dục của Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi chiến dịch Ðường 9 - Khe Sanh được mở, ông được điều động làm phái viên Tổng cục Chính trị và cùng sáu cán bộ Cục Tuyên huấn vào tăng cường cho Bộ Tư lệnh mặt trận. Ông và các đồng đội đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên huấn mặt trận, động viên bộ đội bước vào chiến dịch, góp phần vào chiến thắng Ðường 9 - Khe Sanh. Trung tá Lê Nam và sáu cán bộ Cục Tuyên huấn đi cùng ông đợt ấy đã hy sinh trong đợt máy bay B52 rải thảm để lại nhiều tiếc thương với đồng đội và người thân, để lại hình ảnh về những cán bộ chính trị xuất sắc, quả cảm của quân đội ta cùng các tài liệu thực tế chiến trường quý giá trong công tác chính trị.

Buổi lễ giới thiệu cuốn Ký ức Him Lam và tưởng niệm các liệt sĩ là cán bộ Cục Tuyên huấn đã diễn ra trang trọng với sự tham gia của Trung tướng Hồng Cư và đoàn cựu chiến binh Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị, đại diện gia đình nhà thơ Tố Hữu, gia đình đồng chí Lê Quang Ðạo, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh mặt trận Ðường 9 - Khe Sanh; gia đình nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, người sáng tác bài hát Trên đồi Him Lam và Giải phóng Ðiện Biên nổi tiếng. Sau nghi thức tưởng niệm và giới thiệu sách; NSƯT Linh Nhâm và các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã trình diễn các tác phẩm thơ nổi tiếng thời kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

NGUYÊN VIỆT

Theo

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/20179602-.html