Ðọc sách, học vấn và sự sàng lọc
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam - lần thứ 3, năm nay tiếp tục được tổ chức rộng khắp trong cả nước. Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức bắt đầu từ ngày 16-3 đến hết tháng 4 năm 2024, trong đó trọng điểm từ ngày 15-4 đến hết 21-4-2024. Tại Bình Phước, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay được tổ chức từ ngày 1-4 đến 1-5 với các thông điệp: 'Sách hay cần bạn đọc', 'Sách quý tặng bạn', 'Tặng sách hay - Mua sách thật', 'Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe'.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, sách không chỉ là sản phẩm vật chất mà còn là dấu ấn tinh thần của loài người. Từ những chiếc mai rùa, xương thú ghi chép đơn sơ, đến viết, rồi in trên giấy và thời đại ngày nay là kỹ thuật số với sách điện tử… Dù loại hình nào, sách vẫn luôn có vai trò chưa thể thay thế, đó là ghi chép tri thức của nhân loại. Sách không chỉ là kho tàng tri thức vô tận, còn là nguồn cảm hứng cho con người khám phá sự phong phú, kỳ diệu của cuộc sống. Sách còn là cửa sổ của tâm hồn không chỉ khám phá thế giới bao la xung quanh mà còn khám phá chính bản thân mình…
Nói về ý nghĩa của sách và đọc sách, có lẽ không ngôn từ nào diễn đạt cho đủ.
Truyền thống người Việt Nam, cha mẹ thường lo cho tương lai của con bằng việc cố gắng để dành một khoản tài sản nào đó… Nhiều bậc cha mẹ, ngoài căn nhà đang ở, đã cố gom góp mua một thửa đất, một căn hộ nữa với mục đích “sau này cho con gái” hoặc “sau này cho anh em nó mỗi đứa một mảnh đất, căn nhà” ngay từ khi con mới… học tiểu học.
Ngày nay, một bộ phận không nhỏ bậc cha mẹ đã có tư tưởng tiến bộ, hiện đại. Tài sản để lại cho con được xác định không còn là tiền của, vật chất, mà là tri thức. Với những gia đình ấy, tri thức và phẩm hạnh mới là tài sản quý giá nhất, là tài sản lớn nhất cha mẹ để lại cho con.
Trong cuộc sống còn nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho rằng học nhiều, tri thức nhiều cũng không “mài ra ăn” được, không bằng chút vốn cho con khởi nghiệp, một thửa đất, một căn nhà… Có người cho rằng đầu tư cho con học, có trình độ, tri thức để có thể tự lập, sống tốt trong bất cứ hoàn cảnh nào mới là ưu tiên hàng đầu.
Song dù lý lẽ nào cũng đặt trong hoàn cảnh thực tế mới có đáp án chính xác. Có trường hợp con học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ, kỹ sư... Có trường hợp con học hành bình thường, ước mơ làm nhân viên văn phòng, ước mơ tiếp nối nghề làm đậu phụ của gia đình đã là hạnh phúc… Có trường hợp không thích học, chỉ muốn làm thợ hớt tóc, thợ sửa khóa... Có trường hợp chỉ muốn làm cầu thủ bóng đá, được “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” là vui…
Mỗi hoàn cảnh khác nhau cần được chuẩn bị cho tương lai một khác, nếu không sự chuẩn bị đó mất tác dụng, phản tác dụng. Có tri thức, ước mơ, hoài bão, mà phụ huynh không đầu tư cho học hành, đào tạo để phát huy khả năng, thay vào đó gom góp mua cho thửa đất phòng thân, chuẩn bị vốn mở tiệm tạp hóa kinh doanh… là một nỗi khổ. Nhưng người khả năng có hạn, ban đầu ước mơ chỉ muốn tiếp nối nghề làm đậu phụ của gia đình, nhưng phải khoác chiếc áo bác sĩ, kỹ sư, cán bộ… quả là cực hình với chính người trong cuộc và còn là thảm họa cho xung quanh.
Ở góc độ này, đọc sách hiểu được chính bản thân, người thân mình, từ đó lựa chọn chính xác con đường cho tương lai mới là thành công. Còn đọc sách, nếu chỉ có “học” mà không có “hành”, kể cả có học nhiều ra sao, bằng cấp đến đâu cũng chưa nói lên điều gì. Bởi lẽ, học vấn chỉ sàng lọc được người học giỏi hay học dở, không sàng lọc được có năng lực hay không có năng lực, đặc biệt không sàng lọc được phẩm hạnh, càng không sàng lọc được người có thiện lương hay không.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/156010/doc-sach-hoc-van-va-su-sang-loc