Được coi là đặc sản nhờ thịt thơm ngon, ốc sên khổng lồ còn được sử dụng để làm mỹ phẩm. Tuy nhiên, gần 90% diện tích rừng của Bờ Biển Nga đã biến mất trong 60 năm qua, cùng với việc sử dụng nhiều thuốc trừ sâu đã tàn phá môi trường sống tự nhiên của ốc sên hoang dã.
Diện tích rừng tại Bờ Biển Ngà mất đi vì phải nhường chỗ cho sản xuất nông nghiệp, gây bất lợi cho các sinh vật phát triển tự nhiên trong môi trường nóng ẩm. Khi số lượng ốc sên hoang dã giảm dần, các trang trại chuyên nuôi chúng ngày càng mọc lên.
Là món khai vị phổ biến ở Bờ Biển Ngà, ốc sên được nuôi tại các trang trại. Tại một trang trại ở thị trấn Azaguie, cách thành phố Abidjan khoảng 40km về phía Bắc, có khoảng 10 “chuồng” bằng gạch và xi măng rải đất và lá, có nắp lưới bên trên. Có hàng nghìn con ốc sên tại đây. Chúng được tưới nước và cho ăn hai ngày một lần.
Theo chính phủ Bờ Biển Ngà, thực tế chăn nuôi ốc sên đơn giản, năng suất và lợi nhuận tốt đã thu hút hàng nghìn người dân quốc gia này tham gia vào lĩnh vực trong vòng 5 năm qua. Sản lượng đã tăng từ 25 lên 250 tấn ốc mỗi tháng. Ảnh: AFP
Thịt ốc rất phổ biến ở Bờ Biển Ngà cũng như các nước láng giềng, thường được chế biến với nước sốt cay hoặc nướng trên xiên. Đó là một món ăn giá cả phải chăng. Ảnh: AFP
Bernus Bleu, người sáng lập và giám đốc của Ivory Coast Snail Expertise (CIEE), một trong những công ty lớn nhất sản xuất, chế biến ốc sên khổng lồ quả quyết rằng ốc nuôi cũng ngon tương tự ốc hoang dã. Ảnh: AFP
Tại các trang trại, người nuôi đã tái tạo môi trường tự nhiên của rừng và ốc chỉ ăn lá, trái cây, rau, ngô, kê và đậu nành. Ảnh: AFP
Từ khoảng 25.000 trang trại hiện nay, ngành nuôi ốc sên khổng lồ tại Bờ Biển Ngà dự kiến tăng số lượng lên 100.000 trang trại trong vài năm tới. Ảnh: AFP
Ngày nay, trang trại nuôi ốc sên thu được 20.000 USD mỗi năm, một mức thu nhập khá cao ở Bờ Biển Ngà, nơi mức lương tối thiểu là gần 125 USD/tháng. Ảnh: AFP
Chất nhờn của ốc sên được sử dụng để làm xà phòng, sữa tắm và thuốc mỡ, còn bột vỏ được sử dụng trong sản xuất các loại mỹ phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi khác. Ảnh: AFP
Công nhân làm xà phòng và sữa tắm từ chất nhờn của ốc sên, trộn với dầu dừa, chất tạo màu xanh và hương liệu. Ảnh: AFP
Xưởng nhỏ trang bị thô sơ sản xuất trung bình khoảng 5.000 bánh xà phòng và 5.000 chai gel mỗi tuần. Một nhân viên xưởng sản xuất cho biết: “Chất nhờn của ốc sên giúp dưỡng ẩm da, loại bỏ tạp chất và ngăn ngừa lão hóa”. Ảnh: AFP
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Aljazeera)