OCB niêm yết gần 1,1 tỷ cổ phiếu trên sàn HOSE
Ngày 28/1 Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố và trao quyết định niêm yết, chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), với giá chào sàn 22.900 đồng/cổ phiếu.
OCB là mã cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết mới trên HOSE năm 2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của OCB là 22.900 đồng/ cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20% so với giá tham chiếu, tương ứng vốn hóa Ngân hàng đạt 25.096 tỷ đồng. Đây được cho là mức giá khá hấp dẫn với thị trường.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết, niêm yết cổ phiếu OCB trên HOSE là sự kiện rất quan trọng đối với ngân hàng và nằm trong lộ trình phát triển đã được hoạch định của OCB.
Với mục tiêu huy động vốn để đảm bảo năng lực tài chính cho quá trình phát triển nhanh trong giai đoạn tăng trưởng mới. Tăng cường tính minh bạch và thanh khoản của cổ phiếu, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông cũng như khẳng định nội lực và giá trị sẵn có của Ngân hàng.
Kết thúc năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 4.420 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2019; tổng tài sản của OCB đạt 152.687 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.462 tỷ, tăng 27%, tổng dư nợ tín dụng đạt 90.237 tỷ, tăng 24% so với 2019.
Đặc biệt, vào tháng 6/2020, sau gần 2 năm trao đổi, OCB đã lựa chọn được đối tác chiến lược, đồng hành trong chặng đường phát triển sắp tới là ngân hàng Aozora - Nhật Bản, 1 trong những nhà băng hoạt động hiệu quả nhất tại Nhật Bản, đầu tư 15% vốn cổ phần tại OCB.
Giao dịch này được vinh danh trong top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019 - 2020 tại Việt Nam.
Chia sẻ về chiến lược cho giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, Chủ tịch HĐQT OCB kỳ vọng ngân hàng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20% - 25%/năm.
"Trong thời gian tới, Ngân hàng dự kiến tập trung vào những phân khúc khách hàng đã lựa chọn; Duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong nhóm dẫn đầu; Nâng cao chất lượng tài sản thông qua hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế; Tối ưu hóa công nghệ và nền tảng ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hiệu quả”, ông Tuấn cho biết thêm.
Kết thúc giao dịch phiên sáng ngày 28/1, trong xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán nói chung, giá cổ phiếu OCB khó tránh đi xuống, đứng ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu, giảm 4.500 đồng/cổ phiếu so với mức giá chào sàn.
OCB đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm qua: Vốn chủ sở hữu tăng gần 8 lần; Lợi nhuận tăng hơn 16 lần và Tổng tài sản tăng 12 lần. Qua đó, OCB trở thành ngân hàng TMCP giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, số 3 về hiệu quả lợi nhuận trên vốn.
Bên cạnh việc tăng trưởng, OCB luôn chú trọng đến chất lượng tài sản, quản trị rủi ro và là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào năm 2017. Được Moody's xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác CRA và CRR lên mức Ba3, thuộc top cao nhất tại Việt Nam.