OCOP 'giữ lửa' nghề truyền thống

Sản phẩm sen Hòa Đồng được giới thiệu tại Ngày hội Khởi nghiệp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên - Ảnh: THÚY HẰNG

Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Thông qua OCOP, các sản phẩm truyền thống của Phú Yên vươn xa trên thị trường, được người tiêu dùng biết và lựa chọn nhiều hơn.

19 SẢN PHẨM “CÓ SAO”

Ông Nguyễn Ðức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Yên, cho biết: Năm 2020, có 19 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 11 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, gồm: dầu phộng Xuân Phước (huyện Ðồng Xuân), trà Diệp hạ châu (TX Ðông Hòa), nước mắm Tân Lập, rượu Quán Ðế (TX Sông Cầu), rượu tằm Hòa Phong, hạt tiêu đen Sơn Thành, bột hạt sen Hòa Ðồng (huyện Tây Hòa), gạo thơm Hoa Vàng (huyện Tuy An), cam sành, cam V2, bưởi da xanh (huyện Sông Hinh).

“Chương trình OCOP là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, sức lan tỏa của chương trình mạnh mẽ và được cộng đồng tích cực đón nhận. Các sản phẩm tham gia OCOP phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã”, ông Thắng nói.

Huyện Tuy An tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc chương trình OCOP đối với gạo thơm Hoa Vàng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nghiệp. Gạo này không chỉ năng suất, chất lượng vượt trội, mà còn sản xuất theo quy trình an toàn, được HTX kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống đến sản xuất.

Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp An Nghiệp, cho hay: Năm nay, HTX sản xuất 90 tấn lúa làm ra tương đương 60 tấn gạo thơm Hoa Vàng, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Gạo thơm Hoa Vàng của HTX được một chủ nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh chào hàng ở Hồng Kông, Singapore.

Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cho biết: Sau hiệu ứng tốt từ thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, gạo thơm Hoa Vàng được UBND huyện Tuy An lựa chọn tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và được gắn “sao”. Thông qua OCOP, giúp cho sản phẩm nông nghiệp địa phương tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, được nâng tầm giá trị về kinh tế, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

PHÁT HUY TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH

Nước mắm nhỉ Tân Lập của làng nước mắm truyền thống Gành Ðỏ, phường Xuân Ðài (TX Sông Cầu) được Bộ Công thương công nhận và vinh danh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2020. Nước mắm nhỉ Tân Lập với màu sắc tự nhiên, cánh gián; mùi thơm đặc trưng, vị mặn có hậu ngọt tự nhiên, không chát…

Sau khi “ra lò”, sản phẩm này được phân chia thành nhiều loại theo mức chất lượng riêng. Ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập, cho hay: “Nước mắm nhỉ Tân Lập nhiều năm liền được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Chúng tôi sử dụng cá cơm tươi của vùng biển khơi Phú Yên, ướp với muối biển Tuyết Diêm (TX Sông Cầu), dùng phương pháp gài nén và ủ chượp theo tỉ lệ 3 cá 1 muối…”.

Thời gian qua, triển khai OCOP, Phòng NN-PTNT huyện Ðồng Xuân khảo sát xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP với 4 sản phẩm, trong đó có dầu phộng Xuân Phước của HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước, bánh tráng gạo Xuân Sơn Bắc đăng ký tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được gắn “sao”.

Ông Nguyễn Nhịn (72 tuổi), nông dân xã Xuân Phước, cho biết: Xuân Phước có cánh đồng Chay thích hợp trồng đậu phộng. Ðậu phộng lột tách vỏ đem ép dầu có mùi rất thơm. Trước đây nông dân trồng đậu phộng đem ép dầu truyền thống từ bọng dầu (máy ép dầu thủ công), sau đó ăn các loại dầu công nghiệp. Mới đây, HTX mua máy ép dầu nên sản phẩm bán ra thị trường được người tiêu dùng khen ngon.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, cho hay: Hàng năm, HTX Sản xuất Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Phước sản xuất 2.000 lít dầu phộng, bán với giá 100.000 đồng/lít. Cùng với đó, vùng nguyên liệu của HTX rộng 35ha, sắp đến mở rộng vùng nguyên liệu xuống xã Xuân Quang 3 lân cận. Về hiệu quả kinh tế, trồng đậu phộng lãi nhiều so với trồng lúa nên huyện chỉ đạo xã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng để tăng thu nhập cho người dân.

Trao đổi về sản phẩm OCOP dầu phộng Xuân Phước, bánh tráng gạo Xuân Sơn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Xuân Phạm Trung Chánh cho biết: UBND huyện đăng ký hai sản phẩm trên xét đạt OCOP cấp tỉnh. Hội đồng thẩm định OCOP cấp tỉnh đánh giá phân hạng dầu phộng Xuân Phước là sản phẩm 3 sao. Thông qua kênh OCOP, dầu phộng truyền thống của địa phương vươn xa trên thị trường. Ðiều đáng nói là OCOP đã “giữ lửa” nghề truyền thống cho các địa phương.

Chương trình OCOP được xem là làn gió mới trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc phát triển nội lực và gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị bền vững. Với tiêu chí khắt khe của OCOP, đòi hỏi người nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Ðổi lại khi “có sao” OCOP, nông sản Phú Yên có cơ hội vươn tầm thế giới.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/252272/ocop--giu-lua--nghe-truyen-thong.html