OCOP - nhìn từ góc độ phát huy nội lực

OCOP là cách gọi tắt của cụm từ tiếng Anh (One Commune, One Product) - mỗi xã một sản phẩm. Chương trình này bắt đầu từ tháng 5/2018, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia. OCOP còn được lồng vào chương trình Nông thôn mới quốc gia nhằm làm thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn nước ta.

OCOP - nhìn từ góc độ phát huy n

Bình Thuận, chính thức khởi động chương trình OCOP năm 2019, sau khi có Quyết định 1520 của UBND tỉnh, ngày 17/6/2019 về phê duyệt “Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm”. Mục đích sau cùng của chương trình là khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, kỹ năng của lao động trong nhiều ngành nghề… tạo ra ngày một nhiều sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy sự gia tăng thương mại dịch vụ của từng địa phương. OCOP cũng gắn với thực hiện một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình Nông thôn mới là làm cho sản xuất ở nông thôn phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập khu vực nông thôn. Hay nói cách khác, qua thực hiện OCOP, các địa phương phát huy nội lực của mình, tìm kiếm các cơ hội sản xuất - kinh doanh và mở rộng các dịch vụ trong và ngoài địa phương, làm cho bộ mặt của từng địa phương thay đổi. Mục tiêu xa hơn là đuổi kịp thành thị ở một số mặt nào đó, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Gạo Mỹ Phố sản phẩm OCOP huyện Tuy Phong.

Tham gia chương trình OCOP là các chủ thể sản xuất kinh doanh ở từng xã. Đó là các HTX, các doanh nghiệp địa phương, tổ hợp tác sản xuất… Các chủ thể được tập huấn để hiểu rõ sản phẩm OCOP là thế nào? Những ràng buộc nhất định đối với sản phẩm. Ví dụ, sản phẩm OCOP có nguồn gốc hải sản phải tuân thủ quy trình tiêu chuẩn HACCP, ISO… Sản phẩm có nguồn gốc nông sản phải bảo đảm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Các chủ thể còn được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm đến với thị trường. Nói hình tượng, chương trình OCOP, Nhà nước đóng vai trò bà đỡ, còn các chủ thể là những người mẹ và con cái là sản phẩm. Sản phẩm OCOP đánh giá bằng sao từ 1 sao đến 5 sao. Nếu một sản phẩm OCOP được đánh giá cao ở cấp huyện sẽ có ưu thế trong đánh giá ở cấp cao hơn. Năm 2019, năm khởi đầu, chương trình OCOP tại Bình Thuận không tránh khỏi khó khăn, nhưng đa phần chủ thể phát huy nội lực, tập trung khai thác các thế mạnh về nông – lâm nghiệp- thủy sản ở từng địa phương, kỹ năng lao động, kinh nghiệm sản xuất kết hợp với sự sáng tạo, cho ra một lượng sản phẩm chất lượng cao. Chẳng hạn, tại huyện Tuy Phong được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng thiên nhiên Vĩnh Hảo, những cánh đồng vùng hạ lưu suối nước khoáng cho ra sản phẩm gạo ngọt cơm, thơm dẻo mà ít loại gạo nơi nào có được. Đó là thương hiệu gạo Mỹ Phố của Cơ sở xay xát gạo Mỹ Phố nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Năm 2020, toàn tỉnh có 56/60 sản phẩm của các địa phương đủ điều kiện tham gia dự thi, để được Hội đồng cấp tỉnh đánh giá công nhận là sản phẩm OCOP. Đó là các sản phẩm: Trái thanh long, sản phẩm chế biến từ trái thanh long, gạo, hải sản, nước mắm cao cấp… ít nhiều được thị trường chú ý. Năm 2021, do điều kiện dịch Covid-19 đã tác động đến kế hoạch thực hiện chương trình. Dự kiến đến cuối năm nay tỉnh sẽ tổ chức đánh giá phân hạng từ 10 – 20 sản phẩm OCOP mới.

Có thể nói rằng, tham gia chương trình OCOP, các xã trong toàn tỉnh có dịp đánh giá lại năng lực sản xuất- kinh doanh của địa phương mình, qua đó phát huy nội lực để ngày một phát triển hơn.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/ocop-nhin-tu-goc-do-phat-huy-noi-luc-143289.html