'Ơi Hà Tĩnh, qua nắng lửa mưa giông'
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đất và người Hà Tĩnh vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, lặng lẽ như danh xưng đã được định sẵn.
Từ năm 1831, danh xưng Hà Tĩnh bắt đầu được khai sinh trên bản đồ hành chính đất nước. Tên gọi mang ý nghĩa dòng sông tĩnh lặng ấy như thể nằm ngoài những khắc nghiệt, gian khó mà thiên nhiên, chiến tranh đã để lại trên mảnh đất này. Tên gọi đó như thể chỉ để biểu thị cho vẻ đẹp của sông núi, của văn hóa được đất trời và con người kiến tạo từ xưa đến nay.
Bất kỳ lúc nào, khi nghĩ về Hà Tĩnh, tôi đều nhớ lại hình ảnh nhỏ bé của vùng đất quê tôi trên bản đồ đất nước. Cũng giống như tên gọi, đó là một lát cắt không quá nhiều gồ ghề, không quá nhiều lắt léo nhưng là nơi lắng đọng nhiều vỉa tầng văn hóa.
Mặc dù mới có danh xưng Hà Tĩnh từ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng nhưng miền đất Hà Tĩnh có lịch sử từ thời Văn Lang. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nêu: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (…) chia nước làm 15 bộ: Giao Chỉ, Châu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, đóng đô ở bộ Văn Lang”. Và theo cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh (2005) thì Quận Cửu Đức được xác định vị trí là huyện Hàm Hoan thời Hán, ở vùng tương đương tỉnh Nghệ An đến Hà Tĩnh.
Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh từng khẳng định: “Từ bờ Nam rào Cả đến mái Bắc rú Ngang, từ thuở Vua Hùng dựng nước, Hà Tĩnh vốn là nơi cùng trời cuối đất”. Hẳn là cụ muốn nhấn mạnh ý mà rất nhiều tư liệu nói về Hà Tĩnh trong buổi bình minh của lịch sử như là: Trấn địa, trại, phên dậu, biên trấn của đất nước. Từ thời lập quốc đến năm 938 khi Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, Nhân dân Hà Tĩnh vừa quật cường chống trả ngoại xâm từ Bắc đánh vào, quân Chămpa, Chân Lạp từ Nam đánh ra. Ngoài chiến tranh, cư dân ở đây còn phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên với hình thái thời tiết “mưa úng đất, nắng nẻ trời”, chịu nhiều bão lũ. Thực tế ấy đã tạo nên tính cách kiên cường, bền bỉ, chịu thương, chịu khó của người Hà Tĩnh.
Tưởng như tất cả những điều đó sẽ khiến cho cư dân bản xứ hoặc những cư dân nơi khác phiêu bạt về đây có đời sống tâm hồn khô cằn như nắng gió trên khúc ruột miền Trung. Thế nhưng, chính địa hình đa dạng với thiên nhiên hùng vĩ nên thơ cộng với sự phong phú trong đời sống văn hóa được hội tụ từ Bắc vào, từ Nam ra đã khiến cho vùng đất này ngày càng nên thơ, nên nhạc. Khi nghiên cứu về Hà Tĩnh, nhiều người đã phải thừa nhận đây là nơi “giang sơn tụ khí”. Và hẳn là các nhà nghiên cứu không chỉ dựa trên đặc trưng địa lý phong thổ mà còn xét về trầm tích văn hóa giống nòi qua các thời đại ở từng vùng, miền.
Cũng như nhiều vùng đất nổi tiếng khác, Hà Tĩnh đã sinh thành và cống hiến cho đất nước nhiều bậc hiền tài. Cư dân Hà Tĩnh vừa yêu lao động vừa hiếu học, cần cù, sáng tạo, không chỉ nhiều người đỗ đạt, làm quan mà các thế hệ người dân đã cùng sáng tạo ra một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú và nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo, có bản sắc riêng. Trong đó, có nhiều di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại ở nhiều hạng mục gồm: ca trù; dân ca ví, giặm; Hoàng Hoa sứ trình đồ, Mộc bản Trường học Phúc Giang, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu…
Những di chỉ khảo cổ học cho thấy, từ thuở hồng hoang, cư dân nơi đây đã biết tạo ra cái cuốc, cái cày để khai khẩn đất hoang, chinh phục biển lớn, để lập xóm mở làng. Chính từ trong lao động, họ đã tạo nên những huyền thoại về lập làng, lập nước, về những cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, đánh đuổi giặc giã. Bởi thế, Hà Tĩnh mới có một Ngàn Hống với 99 ngọn ẩn tàng nhiều huyền tích được khắc vào cửu đỉnh Huế. Bởi thế, Hà Tĩnh mới có những con sông đầy thơ mộng, những cửa bể nên thơ mà như cách nói của Nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy là: “Mỗi khúc sông, ngọn núi, mỗi phiến đá, dòng khe ở đây đều mang trong nó nét kỳ vĩ, duyên dáng riêng cùng nhiều truyền thuyết rất đẹp”.
Cũng chính từ địa thế sông núi ấy, từ tinh thần lạc quan trong lao động ấy, cư dân nơi đây đã khai sinh ra những điệu ví, câu giặm trong trẻo, trầm lắng, khoan thai, lạc quan, yêu đời; đã tiếp nhận và phát triển lối hát ả đào sang trọng, uyên bác... Nhiều làng quê trở thành miền đất hát với những gánh hát, người hát nổi tiếng cả nước như: Làng hát ví Đan Du, làng hát ví phường vải Trường Lưu, làng ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên…
Cội nguồn văn hóa dân gian cộng với tinh thần học hỏi không ngừng, càng ngày, trên nhiều vùng đất Hà Tĩnh càng xuất hiện nhiều văn nhân, tài tử. Tự hào thay, dù vất vả, gian lao, con người nơi đây vẫn không chùn bước mà tìm cách vươn lên bằng con đường học vấn. Đời nối đời mà làm nên truyền thống khoa bảng của quê hương. Vẫn còn lưu danh trong sử sách là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng khắp cả nước như: Nguyễn Khắc, Đinh Nho (Hương Sơn); Phan Tùng Mai (Đức Thọ); Nguyễn Huy (Can Lộc); Phạm Vũ (Thạch Hà); Phan Huy (Lộc Hà); Nguyễn - Tiên Điền (Nghi Xuân)…
Hà Tĩnh - địa phương có vị trí đặc biệt trong hành trình mở cõi của dân tộc. Trong dặm dài lịch sử ấy, dẫu phải qua bao cơn biến động của thiên nhiên, dẫu phải qua bao cuộc chiến chinh, đất và người Hà Tĩnh qua bao thế hệ vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh, lặng lẽ như danh xưng đã được định sẵn. Để rồi, trầm tích vào những vỉa tầng văn hóa của quê hương là những giá trị còn mãi muôn đời. Nhìn vào cuộc đời, sự nghiệp của 2 danh nhân được UNESCO vinh danh - Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Lê Hữu Trác - ta cũng có thể thấy rất rõ điều đó. Trải qua bao biến động của lịch sử, 2 vĩ nhân ấy đã biết tách mình ra khỏi vòng xoáy đầy hỗn mang chốn quan trường, lựa chọn cuộc sống ẩn dật, cống hiến cho văn chương, y học; để lại cho đời sau nhiều giá trị nghệ thuật, nhân văn cao cả, được thế giới ghi nhận, vinh danh.
Có thể nói, trong tiến trình lịch sử dân tộc, Hà Tĩnh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một vùng đất từng là “biên trấn”, “phên dậu”; Hà Tĩnh cũng đã đóng góp cho văn hóa dân tộc những bản sắc độc đáo… Nhìn lại hệ thống hơn 1.800 di tích lịch sử - văn hóa với gần 700 di tích đã được xếp hạng các cấp, nhìn lại hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể đang ngày càng tỏa bóng trong đời sống Nhân dân, ta càng hiểu câu hát của Nhạc sỹ Ngọc Thịnh: “Vọng lên từ sâu thẳm, đất hóa thành vần thơ”…
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/oi-ha-tinh-qua-nang-lua-mua-giong-post278122.html