Ðổi mới trên quê hương cách mạng Cao Bằng

Pác Bó, Cao Bằng, những địa danh lịch sử thiêng liêng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi trở về sau bao năm xa Tổ quốc. Những năm qua, thực hiện những lời căn dặn của Người, phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Lễ động thổ dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng.

Lễ động thổ dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tỉnh Cao Bằng.

Pác Bó, Cao Bằng, những địa danh lịch sử thiêng liêng, nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên khi trở về sau bao năm xa Tổ quốc. Những năm qua, thực hiện những lời căn dặn của Người, phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Pác Bó mãi nhớ ơn Người

Ngày này cách đây 80 năm (28-1-1941 - 28-1-2021), nhân dân các dân tộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng và đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng tự hào, vinh dự thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày nay, cuộc sống người dân bản Pác Bó nói riêng và xã Trường Hà có nhiều đổi mới. Bí thư Ðảng ủy xã Trường Hà Nông Văn Tuân chia sẻ, trong xã giờ có nhiều gia đình tiêu biểu, giỏi làm kinh tế. Thí dụ như, hộ Ðàm Thị Thảo, ở bản Hoàng, nuôi cá tầm, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; hộ Hoàng Văn Tính, Nông Thanh Bằng, bản Pác Bó, trồng cây ăn quả, làm dịch vụ, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 14,37% (117 hộ) và 87 hộ cận nghèo. Cuối năm 2020, từ nguồn tài trợ của Bộ Công an và Thủ đô Hà Nội, trong xã có 60 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở. Khi hoàn thành xây dựng, trong xã sẽ không còn nhà tạm, nhà dột nát. Trước đây, xã Trường Hà (cũ) đã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020, sáp nhập xã Nà Sác và xã Trường Hà, hiện tại, xã đạt 13 trong số 19 tiêu chí. Cấp ủy, chính quyền, người dân đã nỗ lực, tích cực đóng góp, hoàn thành thêm các tiêu chí chưa đạt. Phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, người dân trong xã tích cực, tự nguyện hiến đất, góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông nông thôn. Dù không có nhiều đất, các gia đình ông Lý Văn Soòng, ở bản Hoong; ông Ðào Văn Quý, xóm Cốc Sâu vẫn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện Hà Quảng tập trung vận động, tuyên truyền người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chương trình nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi mũi nhọn, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới của Huyện ủy Hà Quảng đạt nhiều kết quả tích cực. Một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, Nguyễn Lâm Thị Tú Anh chia sẻ một số thành tựu phát triển nông nghiệp như: diện tích cây gừng hàng hóa hơn 90 ha, thu nhập hơn 250 triệu đồng/ha; hơn 600 ha lạc, giá trị thu nhập hơn 33 triệu đồng/ha/vụ; hơn 930 ha ngô giống mới, giá trị thu nhập 28 triệu đồng/ha/vụ; tổng đàn trâu, bò đạt hơn 29 nghìn con, đàn lợn hơn 41 nghìn con, giá trị thu nhập từ chăn nuôi nhiệm kỳ qua đạt hơn 228 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã đầu tư chuồng trại, chuyển đổi một số diện tích sản xuất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò, nâng cao thu nhập. Giao thông nông thôn, mương thủy lợi, điện sinh hoạt… được quan tâm đầu tư, xây dựng tạo diện mạo mới, động lực cho nông thôn khởi sắc. Ðến nay, huyện có bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới; hơn 99% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô-tô đến trung tâm và được thảm nhựa, hơn 70% đường liên xóm được bê-tông, nhựa hóa; 100% trường học được đầu tư xây dựng kiên cố, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia.

"Thời gian tới, huyện Hà Quảng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và ý chí, khát vọng đổi mới, vươn lên trên quê hương cội nguồn cách mạng; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự bằng lòng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng - an ninh", Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết.

Cao Bằng khát vọng vươn lên

Tháng 2-1961, trong dịp trở lại thăm Cao Bằng, nói chuyện với cán bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, Bác Hồ đã căn dặn: Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Người, những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết tâm vươn lên. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm sau cao hơn năm trước. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh. Ðồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chia sẻ, nhiệm kỳ qua, Cao Bằng thực hiện thành công một số đột phá quan trọng, kết quả đó giúp địa phương tạo được đột phá, vươn lên, tạo tiền đề, nền móng vững chắc cho bước chuyển mình, phát triển bền vững trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Ðề án số 19-ÐA/TU ngày 13-8-2019 về "Ðổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019-2025". Thực hiện nội dung Ðề án, các cấp, ngành đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục niềm tự hào, truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy tinh thần nỗ lực, quyết liệt đổi mới, vươn lên. Cao Bằng tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt. Tỉnh đề ra yêu cầu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu, quyết liệt, nhận việc khó, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Cao Bằng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Nhiệm kỳ 2015-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 7%/năm. Mỗi năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 4%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây nhiều bất lợi cho phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nhưng với nhiều nỗ lực vượt khó, tăng trưởng kinh tế của Cao Bằng đạt 4,76%. Thu ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao 11%... Ðể đạt được những kết quả tích cực đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn cho biết, Ðảng bộ, chính quyền Cao Bằng đã nhận diện đúng điểm "nghẽn" cản trở phát triển, từ đó, tập trung, ưu tiên nguồn lực con người, nguồn lực ngân sách đầu tư "gỡ" điểm "nghẽn", tạo thuận lợi khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển địa phương.

Cao Bằng đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đường giao thông kết nối các điểm du lịch, các khu kinh tế cửa khẩu, tạo thuận lợi, động lực phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại biên giới. Ðịa phương tăng cường cải cách hành chính, tạo thuận lợi thu hút, giữ chân các nhà đầu tư, hiện thực hóa quan điểm "Cao Bằng muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp". Tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn, như dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao do Tập đoàn TH True Milk đầu tư với tổng số vốn hơn 2.500 tỷ đồng; dự án nông nghiệp thông minh do Công ty High-Tech Farm Hàn Quốc đầu tư với số vốn hơn 25 triệu USD. Ðược sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, dự án đường cao tốc Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cuối năm 2020, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức lễ động thổ tuyến đường bộ cao tốc này. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đến năm 2024, hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường cao tốc Ðồng Ðăng - Trà Lĩnh. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho Cao Bằng.

Thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy mạnh mẽ nội lực, truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, Cao Bằng đã và đang đổi mới, khai thác thế mạnh, tiềm năng, vươn lên, xây dựng quê hương cách mạng, mảnh đất "phên giậu" của Tổ quốc giàu đẹp, văn minh, khá về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng - an ninh.

Bài và ảnh: Minh Tuấn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinhtri/oi-moi-tren-que-huong-cach-mang-cao-bang-633165/