Ðổi thay sau 15 năm thực hiện nghị quyết chiến lược
ĐBP - 15 năm (2004 - 2019) thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về 'Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020' (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 37) không quá dài nhưng là chặng đường nhiều dấu ấn đối với Ðiện Biên. Nghị quyết góp phần làm thay đổi diện mạo tỉnh nhà một cách toàn diện với nhiều khởi sắc, tích cực đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nghị quyết 37 là nghị quyết chiến lược quan trọng nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng đáp ứng yêu cầu thực tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng nói chung và tỉnh Ðiện Biên nói riêng. Nhắc lại thời điểm năm 2004, Ðiện Biên là tỉnh miền núi còn nghèo nàn, lạc hậu, xuất phát điểm thấp, lại vừa chia tách. Nhưng đây cũng có thể coi như một may mắn khi Ðiện Biên bước vào quá trình dựng xây tỉnh với tâm thế “mọi thứ đều mới bắt đầu” đã có Nghị quyết 37 “soi đường”, có định hướng, mục tiêu rõ ràng trong phát triển mọi mặt trên địa bàn. Ðặc biệt là nông nghiệp - lĩnh vực truyền thống, có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh ta. Nghị quyết đã đề ra nhiệm vụ phát huy lợi thế trồng và sản xuất cây nông nghiệp thế mạnh, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh; phát triển chăn nuôi, thủy sản nước ngọt gắn với thị trường tiêu thụ; phát triển chăm sóc, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng; giao đất, giao rừng gắn với định canh định cư. Cụ thể hóa định hướng của Nghị quyết, tỉnh ta đã ban hành nhiều chương trình, quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, như: xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; quy hoạch 3 loại rừng; chương trình mỗi xã một sản phẩm...
Thành quả sau 15 năm, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt được không ít thành tựu. Nhiều cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây có giá trị kinh tế cao; sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, thâm canh tăng từ 1 vụ lên 2 vụ/năm; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: chè, dứa, cà phê, cao su, mắc ca, lúa chất lượng, rau an toàn. Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã đạt những kết quả ban đầu, như: rau thủy canh, rau an toàn trong nhà lưới, nuôi cấy nấm, đông trùng hạ thảo… Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Na Sang, huyện Mường Chà (HTX kết nối các hộ dân trồng dứa) cho biết: HTX có gần 100 hộ thành viên, diện tích trồng dứa đạt gần 200ha. Dứa của HTX đã được cấp chứng chỉ sản phẩm an toàn, được người tiêu dùng đón nhận, thương lái từ Sơn La, Hải Dương lên tận nơi thu mua, từ đó giúp nhiều gia đình tại địa bàn xã Na Sang thoát nghèo. Ðể phát triển được như ngày hôm nay, HTX đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương động viên, hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là về quy trình kỹ thuật, quảng bá nông sản tại các hoạt động, sự kiện trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, HTX vẫn đang nỗ lực kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm dứa Na Sang.
Nói về thành tựu đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm gần đây liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ một số nông sản chủ lực đã từng bước hình thành, góp phần tăng giá trị nông sản, đảm bảo lợi ích cho người dân. Như lúa gạo có 2 dự án cánh đồng lớn quy mô 92ha tại các xã: Thanh Yên, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên), sản phẩm gạo được chứng nhận theo chuỗi, có mã truy xuất nguồn gốc; 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất và chế biến chè được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng cà phê theo tiêu chuẩn an toàn và vùng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ”. Lĩnh vực chăn nuôi cũng ngày càng phát triển. Trên địa bàn đã hình thành mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Một số trang trại nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao với quy trình khép kín, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ ép tách phân, khí sinh học, đồng thời tuân thủ quy trình phòng bệnh, hạn chế sử dụng thuốc thú y để sản xuất sản phẩm hữu cơ đã bước đầu được các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, như: Doanh nghiệp Tư nhân thương mại Huy Toan, Quang Lành, Tâm Ðỏ… Các mô hình về lâm nghiệp cũng đem lại giá trị kinh tế cao và có tiềm năng nhân rộng, như: trồng thảo quả, sa nhân, sơn tra ở Tuần Giáo; nuôi thả cánh kiến đỏ ở Mường Chà… Ngoài ra một số tập đoàn lớn (TH True milk, FLC) đang quan tâm khảo sát, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ xin cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Với đóng góp quan trọng từ nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2004 đến nay của tỉnh đạt 8,72%/năm, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 5,34 triệu đồng/năm (giai đoạn 2004 - 2008) lên 22,69 triệu đồng/năm (giai đoạn 2014 - 2018). Nhìn lại thành quả sau 15 năm, một lần nữa có thể khẳng định Nghị quyết 37 đã góp phần quan trọng giúp tỉnh ta phát huy được tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, vươn lên phấn đấu trở thành tỉnh có mức phát triển trung bình của khu vực.