Ổi VietGAP phát huy giá trị trên vùng cao Con Cuông
Hàng loạt mô hình canh tác mới, cho hiệu quả cao, đang được hình thành trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Một trong số đó là mô hình trồng ổi lê Đài Loan theo tiêu chuẩn VietGAP, với nhiều ưu điểm vượt trội về kinh tế, môi trường.
Anh Bùi Anh Dũng, thôn 2/9, xã Bồng Khê, là một trong những người đầu tiên triển khai mô hình trồng ổi lê ở Con Cuông. Để có giống tốt, anh đã phải lặn lội hàng nghìn km vào tận nhà vườn tại các tỉnh miền Tây để tìm mua 200 cây giống ổi lê Đài Loan về trồng trên 1.800 m2 đất vườn nhà.
Cho hiệu quả kép
Theo anh Dũng, với đặc thù thổ nhưỡng vùng núi, nhiều diện tích đất ở Con Cuông rất kén cây trồng. Tuy nhiên, ổi Đài Loan lại đang cho thấy sự thích nghi rất tốt, cây dễ trồng, chi phí thấp, nhẹ công chăm sóc và ít bị sâu bệnh.
Đặc biệt, hầu hết các hộ làm vườn tại địa phương rất giàu kinh nghiệm, lại tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, nên cây ổi phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Hiện, với hơn 200 gốc ổi lê Đài Loan đang ở năm thứ 5 cho thu hoạch, mỗi tháng anh Dũng tổ chức thu hoạch 4 đợt, bình quân mỗi đợt 2 - 4 tạ. Với giá bán hiện tại 20.000 - 30.000 đồng/kg, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự, sau những thành công ban đầu, năm 2019, ông Nguyễn Quang Thạch cùng 6 hộ trồng ổi trên địa bàn xã Thạch Ngàn đã liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng ổi lê Thạch Ngàn, hướng tới sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường.
Ông Thạch cho hay để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong suốt quá trình thâm canh, ông cùng các thành viên trong Tổ hợp tác chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, nói không với các loại thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, thuốc kích thích tăng trưởng…
Để cây phát triển ổn định, bên cạnh phân hữu cơ, vườn ổi luôn được duy trì độ ẩm, cỏ dại được làm sạch bằng máy cắt, các luống được vun cao để tránh ngập úng. Khi quả ổi đạt kích thước nhất định thì tiến hành bọc quả bằng túi giấy.
Việc bọc quả bằng túi giấy giúp giảm thiểu sâu, bệnh hại, từ đó tiết kiệm chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Nhờ sản xuất khoa học, chú trọng bảo vệ môi trường, mô hình trồng ổi lê VietGAP của gia đình ông Thạch liên tục cho kết quả cao. Với 300 gốc ổi, giá bán ổn định ở mức trên 20.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm, gia đình thu về trên 100 triệu đồng, sau trừ chi phí.
“Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, nhờ sản xuất sạch, vườn ổi nhà tôi luôn có cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ, môi trường trong lành. Tôi cùng các thành viên Tổ hợp tác đang hướng đến việc xây dựng mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Thạch nhấn mạnh.
Nhân rộng mô hình
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Con Cuông, mô hình trồng ổi lê phát triển mạnh trên địa bàn huyện trong khoảng 5 năm trở lại đây. Mô hình đang cho giá trị gấp 3 - 4 lần các loại cây ăn quả truyền thống, thu hút hàng trăm hộ tham gia.
Nhờ sự hoàn thiện về kỹ thuật, năng suất, chất lượng ổi trên địa bàn ngày càng được nâng lên, giá bán ổn định giúp bình quân mỗi sào trồng ổi cho thu nhập từ 30 đến 45 triệu đồng/năm.
Thị trường tiêu thụ ổi lê của huyện cũng ngày càng được mở rộng. Không chỉ được ưa chuộng tại thị trường trong huyện, ổi lê Con Cuông cũng được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và một số tỉnh, thành lân cận.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, huyện sẽ tích cực thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ các hộ dân sản xuất ổi theo hướng hữu cơ, VietGAP, thân thiện môi trường. Huyện cũng chủ động thực hiện khảo sát để kịp thời có những chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho người dân.
Đơn cử, về kỹ thuật, đội ngũ cán bộ nông nghiệp tại địa phương sẽ tăng cường tập huấn, tư vấn, cập nhật quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP, đẩy mạnh hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng sản xuất trên quy mô lớn, nhằm nâng cao năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vấn đề quy hoạch, mở rộng diện tích có tính toán cũng đang được ngành nông nghiệp huyện đặc biệt quan tâm, nhằm tránh tình trạng “vỡ quy hoạch”, đảm bảo chất lượng sản phẩm, khơi thông thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu, huyện sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ổi lê Con Cuông, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.