Olympic Nhật Bản thành công nhờ 9 ngôi sao ở châu Âu
Việc chuẩn bị 5 năm, chọn lọc từ 90 cầu thủ trẻ, triệu tập 9 ngôi sao chơi bóng ở châu Âu là những sự chuẩn bị cho thành công của Olympic Nhật Bản tại Thế vận hội.
Trong 4 đội vào bán kết bóng đá nam Olympic Tokyo, không cái tên nào gây ấn tượng mạnh bằng Nhật Bản. Chủ nhà Thế vận hội là đội duy nhất toàn thắng, sở hữu hàng thủ mạnh nhất, quật ngã Pháp 4-0 và đã thắng Mexico, một đội khác ở bán kết từ vòng bảng.
5 năm chuẩn bị của HLV Hajime Moriyasu và sức mạnh từ 9 cầu thủ đang chơi bóng tại châu Âu là khác biệt làm nên thành công của Olympic Nhật Bản.
Khởi đầu từ M-150 Cup 2017
Ít người biết ông Moriyasu và HLV Park Hang-seo đã cùng bắt đầu thời kỳ của mình ở Việt Nam và Nhật Bản từ cùng một giải đấu: M-150 Cup tại Thái Lan tháng 12/2017. Tiếp quản tuyển trẻ Nhật Bản hướng tới Olympic Tokyo, ông Moriyasu có nhiệm vụ xây dựng lực lượng cho giấc mơ HCV Olympic trên quê hương.
HLV người Nhật Bản xây dựng bản kế hoạch với hơn 90 cầu thủ trẻ trong danh sách theo dõi. Từ đó, ông lần lượt triệu tập từng cầu thủ, rèn luyện họ, sử dụng trong các giải đấu khác nhau trên hành trình hướng tới Tokyo.
Bắt đầu từ U23 châu Á 2018, giải đấu mà U23 Việt Nam vào chung kết, người Nhật đã sử dụng đội hình U21. Họ duy trì điều đó liên tục ở Asian Games 2018, U23 châu Á 2020 và nhiều giải trẻ khác. Tuy không đạt được thành tựu khi chỉ ba cái tên của lứa U23 2018 có mặt tại Olympic (Ko Itakura, Reo Hatate và Koji Miyoshi), Nhật Bản cho thấy sự kiên nhẫn và quyết tâm của họ.
Forbes nhận định: “Nhật Bản có thể không sở hữu những ngôi sao lớn trong đội hình. Nhưng họ có một lợi thế khổng lồ: sự chuẩn bị”.
Khác với các đối thủ, Olympic Nhật Bản có nhiều động lực hơn hẳn. Họ chơi kỳ Thế vận hội với tư cách chủ nhà, được tạo nhiều điều kiện, có nhiều thời gian, được đầu tư không ít.
Khi nhận thấy lứa cầu thủ trẻ trong tay chưa đủ tốt, HLV Moriyasu bắt đầu chuyển hướng sang nhóm cầu thủ chơi tại châu Âu. Trong quá khứ, các đội tuyển châu Á luôn gặp khó khăn khi thuyết phục những CLB châu Âu nhả người cho đội tuyển quốc gia, nhất là ở các giải trẻ. Người Nhật hiểu điều đó, họ biết mình cần những biện pháp mạnh tay hơn.
Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) quyết định thành lập văn phòng đại diện ở Đức. Thông qua đó, người Nhật sẽ có những tiếp xúc trực tiếp và liên tục tới các CLB Đức, đồng thời liên tục theo dõi sự tiến bộ của các tuyển thủ tại Bundesliga, giải đấu được xem là lý tưởng với cầu thủ Nhật.
Giám đốc Kỹ thuật JFA Yasuharu Sorimachi kể lại với Japan Times: “Olympic diễn ra vào giai đoạn nghỉ hè. Rất khó để làm việc với các CLB châu Âu trong thời gian đó. Chúng tôi đặt văn phòng ở nước ngoài để giữ liên lạc với họ. Điều đó cho phép Nhật Bản tiếp tục xây dựng đội tuyển của mình dù nhiều cầu thủ của chúng tôi đang chơi bóng ở nước ngoài".
Quyết tâm của JFA đã lan tỏa tới từng thành viên đội tuyển.
HLV Moriyasu liên tục nhấn mạnh cầu thủ “phải mang những gì tốt nhất tới Olympic” còn Hiroki Sakai, hậu vệ từng chơi cho Marseille, nói: “Tôi hoàn toàn hiểu được nghĩa vụ khi là một trong 3 cầu thủ quá tuổi của tuyển Nhật. Tôi muốn giúp đội bóng thắng mọi trận đấu”.
Đội Olympic là tuyển Nhật Bản thu nhỏ
Trong 4 đội vào bán kết Olympic, Nhật Bản có nhiều tuyển thủ quốc gia hơn cả. Ngoại trừ Kosei Tani và Daichi Hayashi, những người còn lại trong danh sách đá chính của Olympic Nhật Bản đều đã góp mặt tại chiến dịch vòng loại World Cup 2022 vừa qua.
9 trong 22 học trò của HLV Moriyasu đang chơi bóng tại châu Âu. Những người không đá ở châu Âu cũng dày dạn kinh nghiệm J.League.
100% đội hình Olympic Nhật Bản đang có suất đá chính tại J1 League hoặc các giải châu Âu. Hầu hết đã có 2-3 mùa giải ở J1 League, số ít có 5-6 mùa giải chuyên nghiệp. Ayase Ueda (53 trận cho Kashima Antlers ở J1 League) hay Daichi Hayashi (52 trận cho Sagan Tosu) là những người “ít” kinh nghiệm nhất tuyển Olympic Nhật.
Đội hình của HLV Moriyasu có sự kết hợp đồng đều từ nội lực J1 League và 9 cầu thủ chơi bóng tại châu Âu, có sức mạnh từ tuổi trẻ và 3 lão tướng đầy kinh nghiệm. Nhìn vào sự chuẩn bị dài hạn của Nhật Bản, nhìn cách họ xây dựng lực lượng, thành tích bán kết Olympic không hề là ăn may.
Ngược lại với Nhật Bản, phần lớn đội hình Olympic Tây Ban Nha đang chơi tại Liga. Việc Olympic hoãn lại một năm đã giúp các cầu thủ trẻ có thêm kinh nghiệm từ cấp độ CLB. Điều đó khiến bóng đá nam ở Olympic trở nên hấp dẫn hơn, mang tới nhiều lợi thế hơn cho các đội tuyển có nhiều cầu thủ trẻ được đá chính ở cấp CLB, điển hình là Nhật Bản và Tây Ban Nha.
So với Olympic Nhật, Tây Ban Nha chưa thể hiện được sức mạnh. Họ chật vật vượt qua vòng bảng khi chỉ thắng sát nút Australia, bị Ai Cập cầm hòa. Ở tứ kết, họ cần 120 phút để vượt qua Olympic Bờ Biển Ngà. Đối đầu chủ nhà Nhật Bản, Tây Ban Nha bị đánh giá thấp hơn.
Trận bán kết bóng đá nam Olympic giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha sẽ diễn ra lúc 18h ngày 3/8 (giờ Hà Nội) trên SVĐ Saitama.