Olympic Paris: Đẹp và điên rồ

Ngày 26/7, Paris tổ chức lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2024 với tham vọng tạo ra sự kiện sống mãi trong lịch sử Olympic. Tuy nhiên, sự hào nhoáng đã bị che mờ bởi cơn mưa như trút và loạt tranh cãi.

Những ngày qua, thế giới đổ dồn sự chú ý về Paris - nơi đang diễn ra Thế vận hội mùa hè 2024. Trong khi các trận thi đấu thể thao đang diễn ra căng thẳng, tranh cãi liên quan đến lễ khai mạc vào tối 26/7 (giờ địa phương) chưa đến hồi kết. Dư luận vẫn giằng xé giữa hai luồng ý kiến trái chiều khen và chê.

Lễ khai mạc tuyệt vời nhất

Ngay từ đầu, Pháp tuyên bố muốn tạo ra một lễ khai mạc chưa từng có trong lịch sử Olympic. Thực tế cho thấy họ đã làm được điều đó. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly, ban tổ chức quyết định phá vỡ truyền thống khi không tổ chức sự kiện trong sân vận động như thông lệ, thay vào đó biến thủ đô Pháp thành sân khấu.

CNN đánh giá những gì diễn ra vào tối 26/7 không hẳn là điều mà ban tổ chức Olympic Paris mong đợi, nhưng cơ hội để giới thiệu toàn bộ Thành phố Ánh sáng cùng nền văn hóa và con người nơi đây đã được tận dụng tốt.

Pháp tổ chức lễ khai mạc Olympic Paris ngoài trời, biến thủ đô thành sân khấu với sông Seine và Tháp Eiffel là điểm nhấn. Ảnh: Reuters.

Pháp tổ chức lễ khai mạc Olympic Paris ngoài trời, biến thủ đô thành sân khấu với sông Seine và Tháp Eiffel là điểm nhấn. Ảnh: Reuters.

Hãng tin Mỹ ấn tượng với khung cảnh đoàn thuyền chở đội tuyển thể thao của các quốc gia tham dự Olympic trôi trên sông Seine, đi qua những địa danh nổi tiếng rồi kết thúc ở quảng trường Trocadero. Tại đó, Tháp Eiffel sáng rực trong ánh đèn, được gắn thêm những vòng tròn Olympic làm phông nền, giống như ngọn hải đăng dẫn lối. Tiết mục biểu diễn ánh sáng tại công trình mang tính biểu tượng của Paris gây choáng ngợp khi chiếu sáng những đám mây và mưa bằng tia laser cũng những chùm tia nhảy múa.

Điểm hấp dẫn của lễ khai mạc là tập trung vào Paris. Phần đầu buổi lễ chuyển qua lại giữa các video quay sẵn và các cảnh quay toàn cảnh trực tiếp của thành phố. Một phần lịch sử và văn hóa được ghi nhận thông qua nghệ thuật, bao gồm màn biểu diễn nhạc heavy metal tại công trình Conciergerie, với những cửa sổ có tượng Hoàng hậu Marie Antoinette không đầu được chiếu sáng bằng đèn đỏ, sàn diễn thời trang ngay trên cây cầu bắc qua sông Seine và màn trình diễn của Lady Gaga nhằm tôn vinh nền văn hóa cabaret (một dạng nhạc kịch) của thành phố trên bờ sông.

Trang web phê bình điện ảnh lâu đời IndieWire (công ty con của Variety) tuyên bố lễ khai mạc Olympic Paris là lễ khai mạc tuyệt vời nhất trong nhiều năm, khoảnh khắc đại diện cho sự trỗi dậy rõ ràng của thế giới sau đại dịch COVID-19.

Theo IndieWire, lễ khai mạc có một số chi tiết đắt giá mà người xem không thể quên trong một thời gian dài: tiếng chuông đầu tiên của Nhà thờ Đức Bà kể từ vụ hỏa hoạn gần như phá hủy công trình 900 tuổi vào tháng 4/2019, Rafa Nadal cầm ngọn đuốc Olympic đến một chiếc thuyền đang chờ trên sông Seine - nơi Serena Williams đang đợi (cùng với Carl Lewis và Nadia Comaneci) - dường như ám chỉ sự kết thúc hoàn toàn của kỷ nguyên rực rỡ đó đối với quần vợt và màn bế mạc phi thường của Celine Dion.

Thế giới có thể tranh cãi về lễ khai mạc nhưng tất cả đều đồng ý khoảnh khắc Celine cất lên giai điệu L'hymne à l'amour từ tầng thứ hai của Tháp Eiffel thực sự tuyệt diệu. Đó không chỉ là sự điêu luyện về mặt nghệ thuật, sự mãn nhãn về hình ảnh mà còn mang đến tinh thần quật cường, mạnh mẽ của người đang chiến đấu với bệnh tật. Khán giả rơi nước mắt trong giây phút đó. Nữ ca sĩ Kelly Clarkson cũng không nói nên lời trong chương trình truyền hình trực tiếp của NBC.

Màn trình diễn nội lực và nhiều cảm xúc của Celine Dion là một trong những điểm sáng nhất sự kiện. Ảnh: Getty Images.

Màn trình diễn nội lực và nhiều cảm xúc của Celine Dion là một trong những điểm sáng nhất sự kiện. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, khi ngôi sao judo Teddy Riner và vận động viên chạy nước rút 400 m Marie-José Pérec thắp sáng ngọn đuốc Olympic được gắn vào một quả bóng bay khổng lồ, bầu trời đêm Paris lung linh, huyền ảo chưa từng có. Cùng với tiết mục của Celine Dion, đó là cái kết hoàn hảo và ấm lòng nhất cho những người đội mưa trong thời gian dài.

Tờ Frankfurter Allgemeine của Đức viết: “Vừa đẹp vừa điên rồ. Nước Pháp đã làm nên một cuộc cách mạng trong lễ khai mạc. Đến cuối cùng, ngay cả cơn mưa cũng đã biến mất”.

Tại Italy, La Gazzetta dello Sport khẳng định lễ khai mạc là một điều chưa từng có, thậm chí là phi thường. Tờ báo nhận định một chương trình tuyệt vời hay tẻ nhạt, dài dòng là tùy thuộc vào quan điểm và sự nhạy cảm của người xem.

Tờ Il Corriere della Sera ví von chương trình giống như buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại.

India Today mô tả buổi lễ gây chấn động và Pháp đã thực hiện được lời hứa tổ chức lễ khai mạc Olympic chưa từng có trước đây.

Tân Hoa Xã của Trung Quốc nhận định buổi lễ đã thành công trong việc giới thiệu nước Pháp với thế giới. Bên cạnh đó, hãng tin cũng đánh giá cao việc biến cuộc diễu hành của các vận động viên trở thành một phần của chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Cảnh thắp sáng ngọn đuốc Olympic trở thành khoảnh khắc đẹp mắt nhất sự kiện. Ảnh: Getty Images.

Cảnh thắp sáng ngọn đuốc Olympic trở thành khoảnh khắc đẹp mắt nhất sự kiện. Ảnh: Getty Images.

Lễ khai mạc tồi tệ nhất

Lễ khai mạc Olympic Paris lộng lẫy trong mắt một phần thế giới, nhưng lại là thảm họa đối với phần còn lại.

The Guardian đánh giá ý tưởng của Thomas Jolly khác biệt, sáng tạo và đầy chất thơ. Tuy nhiên, nó chỉ đúng về mặt lý thuyết, nhưng áp dụng vào thực tế lại không có hiệu quả, đặc biệt vào một đêm mưa ướt sũng.

Tờ báo Anh thắc mắc tại sao Lady Gaga lại là nghệ sĩ trình diễn mở màn. Mặc dù ngôi sao nhạc pop cố gắng thể hiện tốt nhất tiếng Pháp và tôn vinh văn hóa nước chủ nhà qua ca khúc Mon truc en plumes, nhưng những cụm lông vũ màu hồng mang đến cảm giác sến súa, không đủ đẳng cấp. The Guardian cũng chê đoạn video ghi lại cảnh một người đội mũ trùm đầu, không lộ mặt cầm đuốc chạy nước rút trên các mái nhà và trượt dây qua các công trình như thể nhân vật trong lễ Halloween đang truy đuổi nạn nhân.

"Mặc dù có thể rất sáng tạo, nhưng vở kịch có vẻ rời rạc, với cảm giác nhiều thứ diễn ra cùng lúc và các màn trình diễn nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác - từ điệu cancan đến bức tranh gothic có hình ảnh những người phụ nữ bị chặt đầu giả ở cửa sổ Conciergerie với những dải băng đỏ trông giống như máu phun ra ghê rợn... Paris nổi tiếng với gu thẩm mỹ của mình nhưng trông giống như một bộ trang phục hỗn tạp được ghép lại với nhau. Pháo nước, vũ công đường phố trong trang phục Louis XIV và các buổi trình diễn thời trang cực kỳ lòe loẹt như tội ác chống lại thời trang cao cấp", nhà phê bình Arifa Akbar viết.

New York Times tuyên bố Pháp đã có một "lễ khai mạc không thành công" ngay trên tít bài báo. Đối với tờ báo Mỹ, chương trình kéo dài 4 giờ đồng hồ quá dài dòng và bình thường.

Johnny Oleksinski của tờ New York Post viết: "Lễ khai mạc cuộc thi thể thao bốn năm một lần nhằm thúc đẩy sự đoàn kết trên toàn thế giới diễn ra khá nhàm chán, thiếu ý tưởng và rời rạc. Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Paris 2024 thật nhàm chán và ướt át".

Mưa lớn cản trở lễ khai mạc diễn ra suôn sẻ. Ảnh: EPA.

Mưa lớn cản trở lễ khai mạc diễn ra suôn sẻ. Ảnh: EPA.

Thời tiết cũng làm giảm đi tính thẩm mỹ của sự kiện. Ảnh: CBC.

Thời tiết cũng làm giảm đi tính thẩm mỹ của sự kiện. Ảnh: CBC.

Daily Mail gay gắt hơn khi chỉ trích sự kiện như "trò hề". Tờ báo Anh trích dẫn bình luận của nhiều cư dân mạng chê "lễ khai mạc tồi tệ nhất lịch sử Olympic" với cơn mưa khiến các chính trị gia, thành viên hoàng gia thế giới, người nổi tiếng, vận động viên và khán giả trở nên nhếch nhác dưới lớp áo mưa và ô. Daily Mail mô tả hình ảnh Marie Antoinette không đầu là kỳ quái và nam ca sĩ kiêm diễn viên Pháp Phillippe Katerine hóa thân thành thần Dionysus giống như Xì Trum xanh khỏa thân. Bên cạnh đó, Lady Gaga có màn trình diễn dở nhất trong sự nghiệp toàn bản hit.

Ngay cả CNN vốn dành lời khen cũng phải thừa nhận cơn mưa ảnh hưởng lớn đến chất lượng chương trình, biến nó thành lễ khai mạc đẫm nước nhất trong lịch sử thế vận hội hiện đại. Theo ghi nhận, ban đầu mọi người cố gắng chống đỡ bằng áo mưa và ô. Nhưng sau hơn một giờ bị dội nước, nhiều người chạy đi tìm chỗ trú, tạo ra những mảng thưa thớt dọc bờ sông.

"Trời mưa tác động rõ ràng đến các buổi biểu diễn khi vũ công thỉnh thoảng có những động tác do dự hoặc bị trượt chân nhẹ. Nước bắn ra từ các nhạc cụ của nhóm nhạc công khi họ chơi và một số thuyền chở các đoàn thể thao nhỏ hơn dường như bị sóng đánh vào sông Seine", Kyle Feldscher cho hay.

Trong khi yếu tố ngoại cảnh có thể thông cảm được, một số sai sót trong sự kiện gây khó chịu. Đầu tiên là đoàn thể thao Hàn Quốc bị gọi nhầm thành "Triều Tiên". Đài CBS của Mỹ tin rằng đây là sự cố không mong muốn, nhưng vẫn nhấn mạnh đáng thất vọng khi ban tổ chức Paris thất bại trong một phần rất cơ bản của sự kiện.

Hàn Quốc rõ ràng bị phật lòng. Trong một tuyên bố, Bộ Thể thao Hàn Quốc gọi đây là sự cố đáng tiếc. Thứ trưởng Thể thao Jang Mi Ran, nhà vô địch cử tạ Olympic năm 2008, yêu cầu gặp mặt Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach để thảo luận về vấn đề.

IOC đăng trên tài khoản X tiếng Hàn chính thức: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi vì sai sót xảy ra khi giới thiệu đội tuyển Hàn Quốc trong buổi lễ khai mạc".

Marie Antoinette không đầu là một trong những hình ảnh kỳ quái nhất sự kiện.

Marie Antoinette không đầu là một trong những hình ảnh kỳ quái nhất sự kiện.

Sai sót tiếp theo là lá cờ Olympic bị treo ngược. Vốn dĩ, cờ Olympic phải hiển thị ba vòng tròn màu xanh lam, đen và đỏ ở trên và hai vòng tròn vàng, xanh lá cây ở dưới. Tuy nhiên, lúc kéo lên, nó bị xoay ngược.

Không ít khán giả cho rằng sự cố không nên xảy ra và đáng xấu hổ cho khâu chuẩn bị. Bên cạnh đó, một bộ phận thông cảm bởi không ai mong muốn gặp phải tình huống như vậy.

Tất cả liệt kê trên góp phần khiến lễ khai mạc bớt đi sự chỉn chu, nhưng thứ thực sự dìm chết sự kiện là cáo buộc báng bổ đạo Thiên chúa.

Tranh cãi bắt đầu từ tiết mục trình diễn thời trang có sự tham gia của nhóm Drag Queen, người mẫu, vũ công và Phillippe Katerine. Mọi người tụ tập quanh chiếc bàn dài được dùng làm sàn catwalk lại khiến đông đảo người xem liên tưởng đến bức tranh The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng hay Bữa tiệc ly), bức tranh nổi tiếng của danh họa Leonardo da Vinci mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với các tông đồ trước khi bị đóng đinh.

Trong mắt nhiều người, đó là sự nhạo báng niềm tin Cơ Đốc giáo. Họ không chấp nhận được hình ảnh một phụ nữ ngoại cỡ, mặc trang phục lộ da thịt đại diện cho Chúa Jesus, còn những người đàn ông giả gái thay mặt cho các tông đồ của Chúa.

Kết quả là từ khán giả bình thường đến những người có tầm ảnh hưởng như tỷ phú Elon Musk, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italy Matteo Salvini, Hội đồng Giám mục Pháp, nữ chính trị gia Pháp Marion Maréchal... đồng loạt lên án ban tổ chức sự kiện.

Thomas Jolly và Chủ tịch Olympic Paris 2024 Tony Estanguet sau đó lên tiếng phủ nhận sự liên quan giữa tiết mục và bức tranh nhưng không thể thuyết phục được đám đông giận dữ.

Hậu quả, video lễ khai mạc Olympic Paris bị xóa sổ khỏi kênh YouTube và các nền tảng khác của tổ chức Olympics. Nhà tài trợ là công ty công nghệ và viễn thông C Spire (có trụ sở ở tiểu bang Mississippi, Mỹ) thông báo trên X ngừng mọi quảng cáo tại Olympic Paris.

Tiết mục hủy hoại toàn bộ nỗ lực của ban tổ chức Olympic Paris.

Tiết mục hủy hoại toàn bộ nỗ lực của ban tổ chức Olympic Paris.

Ồn ào khép lại với lời xin lỗi từ ban tổ chức Olympic Paris. Người phát ngôn Anne Descamps khẳng định ban tổ chức không bao giờ có ý định thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bất kỳ nhóm tôn giáo nào, ngược lại ý nghĩa của tiết mục là tôn vinh sự khoan dung của con người. Dẫu vậy, tổ chức vẫn muốn xin lỗi những người cảm thấy khó chịu với tiết mục.

Sau cùng, ban tổ chức Olympic Paris thực sự đã tạo ra lễ khai mạc sống mãi trong lịch sử Olympic. Đáng tiếc, nó không diễn ra theo cách mà họ mong đợi.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/olympic-paris-dep-va-dien-ro-post1659163.tpo