Olympic Paris - kỳ vọng lệnh ngừng bắn toàn cầu

Giới quan sát nhận định rằng thế Thế vận hội Olympic 2024 là cơ hội để các bên liên quan các điểm nóng xung đột trên thế giới ngừng bắn và tiến tới hòa bình.

Thế vận hội Mùa hè 2024 (Olympic Paris 2024) diễn ra từ ngày 26-7 đến ngày 11-8 tại 16 địa điểm thi đấu trên khắp nước Pháp. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này thu hút khoảng 10.500 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước thềm khai mạc Olympic Paris 2024, giới quan sát nhận định đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế thúc đẩy các bên liên quan trong các cuộc xung đột lớn trên thế giới hướng tới đàm phán ngừng bắn, mở đường cho các thỏa thuận hòa bình trong tương lai, theo tờ Project Syndicate.

Các điểm nóng nổi lên trên thế giới hiện là xung đột Nga-Ukraine và xung đột giữa Israel với Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, thuộc Palestine).

 Giới quan sát nhận định Thế vận hội Olympic 2024 là cơ hội để thúc đẩy các điểm nóng xung đột trên thế giới ngừng bắn. Ảnh: NBC News

Giới quan sát nhận định Thế vận hội Olympic 2024 là cơ hội để thúc đẩy các điểm nóng xung đột trên thế giới ngừng bắn. Ảnh: NBC News

Olympic Paris 2024: Cơ hội thúc đẩy các bên ngừng bắn

Theo ông Robert Skidelsky - GS Khoa Kinh tế-Chính trị tại ĐH Warwick (Anh), Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao quốc tế lớn, mang biểu tượng của hòa bình, hợp tác, tôn vinh những giá trị cao đẹp của thể thao, cũng như tinh thần đoàn kết của nhân loại.

Project Syndicate dẫn nhận định của ông Skidelsky rằng các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (LHQ) và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có thể tận dụng sự kiện lần này - lấy lý do "phù hợp với tinh thần Olympic và tạo bầu không khí tích cực cho sự kiện” - để khuyến khích các bên liên quan trong các cuộc xung đột lớn trên thế giới như Nga-Ukraine và Israel-Hamas ngồi vào bàn đàm phán, hướng tới ngừng bắn.

Thêm vào đó, sự kiện này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm và theo dõi đông đảo của cộng đồng quốc tế. Các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động vì hòa bình và các nước trung gian có thể tận dụng cơ hội này để kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn và hướng tới giải pháp hòa bình. Những lời kêu gọi này ít nhiều sẽ gây áp lực lên chính quyền các bên, thúc đẩy họ tiến tới đối thoại, đàm phán, theo Project Syndicate.

Ngoài ra, thế vận hội còn mở ra cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới gặp gỡ, thảo luận về các vấn đề quốc tế. Sự kiện có thể tạo ra một không gian trung lập, uy tín và an toàn để thúc đẩy các nhà lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo các bên xung đột, tiến tới đàm phán, góp phần mở ra cơ hội cho các thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần.

Chia sẻ với đài CNN hôm 19-7, ông Tony Estanguet - Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 (Pháp) nhấn mạnh rằng dù Thế vận hội diễn ra trong bối cảnh thế giới còn nhiều xung đột, bất hòa, song ông mong rằng sự kiện lần này sẽ mang đến nhiều cung bậc cảm xúc, những khoảnh khắc đáng nhớ, góp phần gắn kết mọi người lại gần nhau hơn.

Theo hãng tin AFP, để đảm bảo an ninh cho Thế vận hội Olympic 2024, chính quyền Paris dự kiến triển khai lực lượng an ninh lên tới hơn 80.000 người, trong đó có khoảng 45.000 cảnh sát, 20.000 nhân viên an ninh và 15.000 binh sĩ.

Tiền lệ trong quá khứ

Theo Project Syndicate, trong quá khứ, Thế vận hội Olympic từng đóng vai trò "chất xúc tác" thúc đẩy các bên xung đột ngừng bắn để đảm bảo an ninh cho sự kiện, cũng như an toàn cho vận động viên và khán giả.

 Binh sĩ Georgia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày với các tỉnh ly khai South Ossetia, Abkhazia cùng Nga hồi 2008. Ảnh: HISTORY.COM

Binh sĩ Georgia trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày với các tỉnh ly khai South Ossetia, Abkhazia cùng Nga hồi 2008. Ảnh: HISTORY.COM

Vào thời Hy Lạp cổ đại (từ năm 776 TCN đến năm 600 SCN), Thế vận hội Olympic được xem là một sự kiện thiêng liêng, thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần và tinh thần thượng võ của người Hy Lạp.

Theo đó, cứ mỗi kỳ diễn ra Thế vận hội, mọi cuộc chiến giữa các thành bang tại Hy Lạp đều phải tạm ngưng để các vận động viên và khán giả có thể di chuyển an toàn đến TP Olympia (Hy Lạp cổ đại) - nơi diễn ra các cuộc tranh đấu giữa các vận động viên.

Ở thời hiện đại, Thế vận hội Olympic cũng từng là sự kiện thúc đẩy một số cuộc xung đột ngừng bắn.

Tại Thế vận hội Olympic 1994 diễn ra ở Na Uy, LHQ đã lần đầu tiên thông qua một nghị quyết kêu gọi "ngừng bắn toàn cầu" - yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên tạm ngừng xung đột trong khoảng thời gian từ 7 ngày trước lễ khai mạc đến 7 ngày sau lễ bế mạc.

Theo hãng tin Reuters, nghị quyết trên đã khiến các bên tham chiến trong ‘Cuộc chiến Bosnia’ (1992-1995) - cuộc xung đột nhiều bên giữa người Bosnia, người Serbia, và người Croatia tại khu vực Bán đảo Balkan (Nam Âu) phải tạm ngưng cho đến khi kỳ Olympic 1994 kết thúc.

Trong một diễn biến khác, thời điểm tổ chức Thế vận hội Olympic 2008 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng là lúc nổ ra xung đột giữa một bên là Georgia và bên còn lại là các tỉnh đòi ly khai South Ossetia, Abkhazia cùng Nga.

Giới chức Bắc Kinh khi đó đã kêu gọi thế giới thực hiện lệnh "ngừng bắn toàn cầu". Theo Reuters, cùng với lời kêu gọi này, cuộc xung đột sau đó đã kết thúc sau 5 ngày căng thẳng nhờ sự hòa giải của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ là ông Nicolas Sarkozy.

"Dựa trên những sự kiện trong quá khứ, kỳ Olympic 2024 được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy các bên xung đột trên thế giới đối thoại, hướng tới ngừng bắn, thậm chí mở ra cơ hội cho các thỏa thuận hòa bình lâu dài trong tương lai" - Project Syndicate dẫn nhận định ông Skidelsky.

Tổng thống Pháp đề xuất “ngừng bắn toàn cầu” trong dịp Olympic

Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ hy vọng rằng trong suốt thời gian diễn ra Olympic Paris 2024, các điểm nóng xung đột trên thế giới sẽ nhất trí thực hiện một lệnh "ngừng bắn toàn cầu", theo hãng tin AFP.

"Chúng tôi ủng hộ lệnh ngừng bắn đối với tất cả các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để các bên cùng ngồi lại bàn về việc đó [ngừng bắn]" - ông Macron nói.

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào về ý tưởng ngừng bắn từ phía chính phủ Pháp.

Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Nga sẵn sàng xem xét mọi đề xuất giải quyết xung đột tại Ukraine, nhưng quyết định cuối cùng sẽ luôn dựa trên lợi ích quốc gia và tình hình thực tế trên chiến trường.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky lại tỏ ra hoài nghi về đề xuất ngừng bắn của ông Macron.

"Sẽ ra sao nếu quân Nga lợi dụng thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng và tiến quân sâu hơn vào lãnh thổ Ukraine? Tôi không rõ chi tiết của lệnh ngừng bắn này thế nào, nhưng tôi nghĩ đây là câu chuyện khó có thể thực hiện được" - ông Zelensky nói.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/olympic-paris-ky-vong-lenh-ngung-ban-toan-cau-post801723.html