Olympics Paris 2024 chứng tỏ vai trò khó thay thế của hàngTrung Quốc

Tại Thế vận hội Paris 2024 (Olympics Paris), món ăn đều là ẩm thực Pháp nhưng hàng hóa đại trà do Trung Quốc sản xuất có mặt khắp nơi, từ các thiết bị thể thao hiện đại cho tới đồ lưu niệm...

90% linh vật của Thế vận hội Paris được sản xuất tại Trung Quốc - Ảnh: WSJ

90% linh vật của Thế vận hội Paris được sản xuất tại Trung Quốc - Ảnh: WSJ

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kỳ thế vận hội lần này là nơi các nhà sản xuất Trung Quốc thể hiện rằng không nơi nào trên thế giới có thể thay thế họ trong sản xuất đại trà. Điều này diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa địa điểm sản xuất khỏi Trung Quốc, với chiến lược thường được gọi là “Trung Quốc cộng 1”.

KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ

Yan Zaixing là tổng giám đốc công ty Sonic Composite Technology – nhà sản xuất duy nhất được chọn để cung cấp ván buồm cho Thế vận hội Paris, sự kiện sẽ khai mạc hôm nay (26/7).

Ông Yan cho biết công ty của mình gần như không có đối thủ. Không công ty nào có khả năng tìm kiếm vật liệu mới và sản xuất nhanh như Sonic Composite Technology trong lĩnh vực sản xuất ván buồm. Điều này giúp công ty của ông Yan trở nên đặc biệt.

“Tôi cho rằng đó chính là yếu tố then chốt để chúng tôi giành được đơn hàng cho Thế vận hội”, ông nói thêm. “Chúng tôi là công ty duy nhất trên thế giới chiếm lĩnh toàn bộ chuỗi cung ứng công nghiệp sản xuất thiết bị thủy lực hiệu suất cao”.

Trong bối cảnh các nhà sản xuất và nhà cung cấp đối mặt mối lo ngại về chi phí và căng thẳng địa chính trị, một số nhà sản xuất hàng hóa cấp thấp đã dịch chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang một số nước như Việt Nam, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, mạng lưới chuỗi cung ứng phát triển và toàn diện được xây dựng trong nhiều thập kỷ mới là thứ khiến thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Paul Tai, giám đốc vùng tại công ty sản xuất và cung cấp giải pháp bán lẻ toàn cầu Mainetti Group, cho biết thời gian để thực hiện các đơn hàng cho một sự kiện tầm cỡ thế giới như Thế vận hội khá eo hẹp và không có cơ hội thứ hai để sửa lại đơn hàng.

“Không nhiều công ty có thể làm được khi phải giao hàng trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt và đạt tiêu chuẩn”, ông Tai cho biết. “Trung Quốc có cả một hệ sinh thái sản xuất và các nhà cung cấp cho Thế vận hội biết mua nguyên vật liệu ở đâu”.

Công ty của ông Tai sản xuất đồ lưu niệm cho vận động viên thể dục Trung Quốc tại Thế vận hội Paris và hỗ trợ công ty thiết bị thể thao Trung Quốc Anta cung cấp phụ kiện như móc treo quần áo cho đội tuyển Trung Quốc. Công ty này là đối tác của Hội đồng Thế vận hội Quốc tế từ năn 2020, từng cung cấp sản phẩm đóng gói cho Thế vận hội Tokyo 2020 và Thế vận hội Bắc Kinh năm 2022.

TIẾP TỤC NÂNG HẠNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG

“30 năm qua, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trở nên tương đối cạnh tranh về mặt chi phí, với nhiều nhà máy sản xuất thiết bị cao cấp”, ông Tai cho biết. “Thời gian tới, ngành sản xuất của chúng tôi có thể sẽ tiếp tục nâng hạng trong chuỗi cung ứng nhờ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong sản xuất”.

Còn theo ông Fan Di, phó giáo sư tại Đại học Bách khoa Hồng Kông, các khách hàng trên thế giới đã xây dựng một “hệ thống trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” lâu năm với các nhà cung cấp Trung Quốc.

“Do đó, những nơi như Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ xếp sau Trung Quốc trong việc xây dựng các hệ thống được công nhận toàn cầu”, ông Fan nhận xét.

Theo tạp chí tuần L’Express của Pháp, 90% linh vật của Thế vận hội Paris được sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc nó rằng nhiều loại đồ lưu niệm bày bán ở Paris gồm mũ, áo phông, đồ chơi, bút, băng đeo tay, sổ tay… đều “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) và một số nhà sản xuất Trung Quốc đã bắt đầu nhận đơn hàng từ nửa sau của năm 2023.

Thế vận hội Paris năm 2024 khai mạc ngày 26/7 - Ảnh: Campaign Asia

Thế vận hội Paris năm 2024 khai mạc ngày 26/7 - Ảnh: Campaign Asia

“Các sản phẩm khác liên quan tới Thế vận hội – từ trang phục của vận động viên cho tới ghế lười sử dụng tại Làng Thế vận hội – được sản xuất tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc”, tờ Tân Hoa Xã cho biết. “Thiết bị thể thao như xe đạp đua do đội tuyển quốc gia Trung Quốc sử dụng được sản xuất tại tỉnh Sơn Đông”.

Theo ông Qiu Dongxiao, trưởng khoa kinh tế tại Đại học Lingnan Hồng Kông, dù chi phí lao động đã tăng lên, nhưng hệ thống logistics, hiệu quả làm việc và hoạt động vận tải ở Trung Quốc tốt hơn nhiều so với các quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc rộng lớn ở quy mô khó có thể tìm được ở các quốc gia khác.

“Những sản phẩm như đồ lưu niệm, đồ dùng thể thao ít nhạy cảm chính trị và chịu ít rủi ro địa chính trị hơn dù được sản xuất ở Trung Quốc”, ông Qiu giải thích.

Theo cơ quan hải quan Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 21/6, một lô hàng gồm 1.116 bộ quần áo và dụng cụ thể thao đã được xuất khẩu để phục vụ cho các nhân viên tại Ủy ban Thế vận hội quốc tế. Đây là một trong những lô hàng lớn nhất mà Trung Quốc xuất sang đến Paris cho thế vận hội năm nay.

Còn cơ quan hải quan Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cho biết giá trị hàng xuất khẩu liên quan tới thể thao từ tỉnh này đã vượt 10 tỷ nhân dân tệ (1,38 triệu USD) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Con số này tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thể thao của Trung Quốc trong giai đoạn đó.

Dữ liệu từ công ty thương mại điện tử Alibaba cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể của các đơn hàng thiết bị thể thao vận chuyển sang Pháp trong tháng 3. Các mặt hàng phổ biến gồm có quần áo quần vợt, trang phục thể thao tùy chỉnh, mũ bảo hiểm, túi gôn…

Theo ông Qiu của Đại học Lingnan Hồng Kông, các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là trong việc cung ứng hàng hóa cho các sự kiện tầm cỡ quốc tế, ít nhất trong 4 năm tới.

“Bên cạnh năng lực sản xuất hạn chế tại các quốc gia này so với môi trường sản xuất và dịch vụ ở Trung Quốc, các công ty đa quốc gia sẽ không rời khỏi Trung Quốc với tốc độ quá nhanh”, ông Qiu nói thêm.

Ông Yan của Sonic Composite Technology cho biết công ty của ông dự kiến xây dựng nhà máy lắp ráp tại Liên minh châu Âu (EU) để không gặp rào cản trong việc xuất khẩu hàng hóa, từ đó phục vụ tốt hơn các khách hàng toàn cầu.

Còn theo ông Tai của Mainetti Group, một số nhà sản xuất có thể xây dựng nhà máy ở các nước khác do lo ngại căng thẳng địa chính trị, nhưng sau cùng họ vẫn phải mua phụ tùng và nguyên vật liệu từ Trung Quốc để lắp ráp.

“Đây mới là ý nghĩa thực sự của xu hướng ‘Trung Quốc cộng 1’”, ông Tai nói.

Ngọc Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/olympics-paris-2024-chung-to-vai-tro-kho-thay-the-cua-hangtrung-quoc.htm