Omicron đang bùng phát, sắp thống trị một số nước châu Âu

Các nhà lãnh đạo châu Âu mới đây đã cảnh báo rằng biến thể Omicron đang bùng phát. Với mức độ lây lan hiện tại, nó có thể vượt qua Delta, để trở thành biến thể thống trị ở một số quốc gia tại lục địa già.

Nicola Sturgeon, Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland, đã thông báo vào hôm thứ Sáu về sự lan truyền mạnh mẽ của Omicron ở quốc gia này. Trước đó, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cũng lo ngại rằng Omicron đang dần lấn lướt biến thể Delta và ước tính rằng, với tốc độ hiện tại, nó sẽ bao phủ nước Anh vào giữa tháng 12, với hơn một triệu ca nhiễm.

Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland Nicola Sturgeon được tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 vào ngày 04/12/2021. Ảnh: Reuters

Ở Đan Mạch cũng vậy, Omicron có thể trở nên thống trị vào “cuối tuần tới nếu theo quỹ đạo hiện tại”, như giáo sư Mads Albertsen tại Đại học Aalborg dự báo.

Như vậy, biến thể Omicron đã bắt đầu bùng phát trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu – nơi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 vốn đã rất phức tạp chỉ với biến thể Delta. Hiện, các nhà chức trách Mỹ cũng đang theo dõi và sẽ báo cáo mức độ nghiêm trọng của biến thể mới. Trong các làn sóng bùng phát trước đây, châu Âu được đánh giá chính là hình ảnh biết trước về những gì sắp xảy ra ở Mỹ.

Các nhà dịch tễ học cho biết Omicron đã lây lan nhanh chóng ở Nam Phi kể từ khi biến thể này được xác định từ tuần đầu tiên của tháng 11. Hiện, nó đã chiếm ưu thế trong vòng một tháng qua ở quốc gia này.

Nhưng Nam Phi có tỷ lệ nhiễm Covid khá thấp khi Omicron xuất hiện, có nghĩa không cần nhiều thời gian để nó chiếm ưu thế. Ngoài ra, chỉ 1/4 số người ở Nam Phi đã được tiêm phòng đầy đủ. Bởi vậy, châu Âu sẽ là một “bài test” thực tế hơn về việc liệu Omicron có thể đánh Delta để trở thành biến thể thống trị tại những khu vực mà đa số người dân đã được tiêm chủng hay không.

Linda Bauld, một giáo sư tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Tốc độ của nó thật đáng ngạc nhiên. Nếu nó có thể vượt qua Delta ở Scotland và Anh, thì nó sẽ làm được ở những nơi khác”.

Các câu hỏi chính vẫn còn bỏ ngỏ, bao gồm về mức độ nghiêm trọng của bệnh tật mà nó gây ra và mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới này. Bởi vậy, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên đưa ra “kết luận chắc chắn” vào thời điểm này.

Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết, dựa trên dữ liệu sơ bộ, biến thể Omicron có thể gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó - như một diễn biến tự nhiên của các loại virus corona sau mỗi lần đột biến.

Omicron có thể sẽ vượt qua Delta để trở thành biến thể Covid-19 chính tại châu Âu trong thời gian tới. Ảnh: AFP

Nhưng nhiều quốc gia ở châu Âu đã sớm hành động. Họ đã và sẽ thực hiện lại một loạt các biện pháp kiểm soát: từ hạn chế đi lại, đeo khẩu trang cho đến các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội.

Một số chuyên gia lo lắng rằng ngay cả khi biến thể gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, sự phát triển nhanh chóng của nó có thể làm quá tải các bệnh viện vốn đã căng thẳng bởi làn sóng Delta.

Neil Ferguson, nhà dịch tễ học hàng đầu tại Đại học Imperial London nói với rằng biến thể Omicron “có thể áp đảo hệ thống y tế Anh, đạt mức cao nhất là 10.000 người mỗi ngày”. Ông cảnh báo về một “cơn sóng thần tiềm ẩn” và kêu gọi người dân cần phải hết sức đề phòng.

Tỷ lệ biến thể Omicron trong số các ca nhiễm Covid-19 gần đây ở Scotland đã tăng từ 2% vào Chủ nhật tuần trước lên hơn 15% vào thứ Sáu vừa rồi, tức tăng gấp đôi cứ sau 2 đến 3 ngày.

Đan Mạch cũng đã phải tiến hành các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa mới từ hôm thứ Tư - bao gồm các kỳ nghỉ học dài hơn trong dịp Giáng sinh và hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí về đêm.

Cuối cùng, theo các chuyên gia, các biện pháp hạn chế là rất quan trọng vào thời điểm này, để giúp nhiều người có thời gian tiêm vắc xin tăng cường hơn và tránh các bệnh viện quá tải.

Hoàng Huy (theo Washington Post)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/omicron-dang-bung-phat-sap-thong-tri-mot-so-nuoc-chau-au-post171774.html