Omicron khiến chiến lược vắc-xin cần được thay đổi?
Khi Omicron xâm nhập, Việt Nam cần tập trung tiêm nhắc lại sau mũi 3 cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đón chờ vắc-xin có hiệu lực cao hơn, lâu dài hơn.
GD&TĐ - Khi Omicron xâm nhập, Việt Nam cần tập trung tiêm nhắc lại sau mũi 3 cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đón chờ vắc-xin có hiệu lực cao hơn, lâu dài hơn.
Vai trò quan trọng của vắc-xin
Vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, độ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 với người trên 18 tuổi tại Việt Nam rất cao, gần 100% mũi 1, hơn 92% mũi 2. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi theo quy định, phấn đấu đến hết quý I sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 cho nhóm trên 18 tuổi.
Về tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, hơn nửa số tỉnh, thành trên cả nước đã bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho nhóm này. Trong khi đó, Bộ Y tế đang tiếp tục bám sát tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra và thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cập nhật thông tin sớm nhất về biến chủng này.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết thêm, tình hình dịch bệnh vẫn có thể kéo dài, khó lường trước các biến thể. Vì vậy, theo Nghị quyết số 128, Việt Nam thực hiện chuyển từ chiến lược “Zero Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa giữ đà phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng mới cùng khả năng lây lan mạnh đang đặt ra câu hỏi về việc thay đổi cách thích ứng với dịch, đặc biệt là chiến lược tiêm chủng vắc-xin. TS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock) - tác giả đại diện nhóm 5F gồm một số chuyên gia y tế cộng đồng, dịch tễ học truyền nhiễm, bác sĩ tình nguyện tập hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhận định, khi chưa có Delta, chúng ta vẫn có thể hy vọng vào vắc-xin.
Bởi, nếu tiêm phủ đủ 80% dân số hoặc nhiều hơn, Covid-19 không thể tiếp tục lây lan. Tuy nhiên, thời điểm đó, chúng ta không có đủ vắc-xin. Do đó, Covid-19 vẫn có cơ hội tiếp tục nhân lên.
Theo chuyên gia này, tiêm vắc-xin nhằm giảm số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19, giảm số ca nhiễm. Từ đó, giảm áp lực lên hệ thống y tế, đạt miễn dịch cộng đồng, khiến Covid-19 biến mất. Hoặc, khiến Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu với các vụ dịch nhỏ xuất hiện rải rác.
Hiện tại, vắc-xin đóng vai trò lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19. Song, TS Thu Anh phân tích, vắc-xin giảm hiệu lực theo thời gian cũng như với biến thể Delta và Omicron.
Ngoài ra, kháng thể sinh ra do lây nhiễm tự nhiên cũng giảm theo thời gian. Trước bối cảnh đó, liều 3 vắc-xin ra đời. Tuy nhiên, theo TS Thu Anh, khi Omicron xuất hiện, biến thể này lây lan quá nhanh.
“Với các vắc-xin hiện có, chúng ta không thể đạt được miễn dịch cộng đồng trừ khi chúng ta có vắc-xin mới có hiệu lực phòng lây nhiễm cao với các biến thể mới cao hơn. Hoặc, kháng thể sinh ra do nhiễm Omicron đủ mạnh và duy trì theo thời gian (rất khó xảy ra)”, chuyên gia này phân tích.
Hy vọng vào vắc-xin mới
Hiện, Việt Nam vẫn ứng phó với Delta. Do đó, theo bà Thu Anh, chúng ta vẫn đạt được mục tiêu bằng chiến lược tiêm phòng hiện nay. Tuy nhiên, khi Omicron xuất hiện, Việt Nam cần tập trung tiêm nhắc lại sau mũi 3 cho người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong (người cao tuổi, người mắc bệnh nền ở các độ tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh con, trẻ sơ sinh).
Đồng thời, chuyên gia này đề xuất, cần tiếp tục nghiên cứu và đón chờ vắc-xin có hiệu lực cao hơn, lâu dài hơn. “Với tiến bộ trong công nghệ nghiên cứu và sản xuất vắc-xin hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, sẽ có những loại vắc-xin hiệu quả hơn”, TS Thu Anh cho biết.
Theo bà, hiện, việc quan trọng là tiếp tục đeo khẩu trang (y tế hoặc N95), tăng thông thoáng khí và tự xét nghiệm/cách ly khi nhiễm SARS-CoV-2.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng tỷ lệ số ca nhiễm trên một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143 (bình quân cứ một triệu người có 20.725 ca nhiễm). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Tây Ninh.
Trung bình, số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 180. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 35.788, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 68 ca nhiễm biến chủng Omicron. Đây đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong đó, TPHCM 30 ca, Quảng Nam 27, Đà Nẵng 3, Thanh Hóa, Khánh Hòa đều 2, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Long An mỗi nơi một.