Ổn định bộ máy tổ chức để làm tốt công tác dân số

Ngành DS-KHHGĐ tỉnh tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ cho nữ công nhân ở một khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KIM CHI

Khó khăn trong tổ chức bộ máy, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đã được các đại biểu dự hội thảo chuyên đề về công tác dân số (CTDS) năm 2020 do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 20/7 tại TP Tuy Hòa chỉ ra và cùng thảo luận để tìm giải pháp triển khai cho những tháng cuối năm 2020.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú, bước sang giai đoạn mới, CTDS đứng trước nhiều thách thức và nảy sinh các vấn đề mới.

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm nay của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch giao như: Tỉ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm, ước năm 2020 đạt khoảng 5,143 triệu người (68%), trong khi đó kế hoạch đề ra là 70,1%; ước tính số trẻ em mới sinh được sàng lọc năm 2020 là 482.707 ca (50%), trong khi kế hoạch đề ra là phải đạt 80%; các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số ở địa phương chậm triển khai, thậm chí có những tỉnh chưa triển khai. Trong đó, công tác tổ chức bộ máy ở địa phương, nhất là mô hình tổ chức tuyến huyện, xã đang gặp nhiều khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và việc triển khai các hoạt động chuyên môn về CTDS. Cùng với đó, nguồn ngân sách nhà nước bị cắt giảm; nguồn hỗ trợ của quốc tế không còn nhiều càng khiến CTDS gặp nhiều trở ngại trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục DS-KHHGĐ), cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động triển khai CTDS tại địa phương gặp khó khăn, đặc biệt là hoạt động thực hiện tại cộng đồng. Hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ tại địa phương có nhiều biến động, bộ máy tổ chức tuyến tỉnh, huyện chưa ổn định.

Đề cập rõ hơn về thực trạng tổ chức bộ máy làm CTDS ở địa phương, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục DS-KHHGĐ), cho biết tại tuyến tỉnh, hiện có 3 tỉnh là Sơn La, Bình Thuận, Kiên Giang đã xây dựng đề án Chuyển chi cục DS-KHHGĐ thành phòng Dân số trực thuộc sở Y tế. Và tỉnh này đã chuyển bộ phận chung về sở Y tế; phòng Dân số có con dấu nhưng không có tài khoản. Còn tại Phú Yên, theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, tỉnh đã có kế hoạch xây dựng đề án để chuyển đổi, tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh và sở, ngành có liên quan đề nghị giữ nguyên hệ thống tổ chức DS-KHHGĐ nên tỉnh đã dừng việc xây dựng đề án sáp nhập.

Chủ động tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Lê Văn Hợi, tổng số biên chế được giao của 63 chi cục DS-KHHGĐ là 1.032 biên chế. Tuy nhiên, tổng số người đang làm việc hiện có là 985 người, giảm 66 biên chế so với cuối năm 2019. Trong đó, 9 tỉnh dưới 10 biên chế là: Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kiên Giang và Tây Ninh. Riêng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số, theo báo cáo, hiện nay tổng số cộng tác viên dân số trên cả nước là 146.247 người, giảm 17.439 người so với năm 2019. Trong đó, khoảng 65% số cộng tác viên dân số hiện tại là kiêm nhiệm, đa số là các cán bộ y tế thôn bản và cán bộ phụ nữ.

Tại hội thảo trên, ông Nguyễn Doãn Tú, cho hay những tháng đầu năm vừa qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn từ bộ máy tổ chức bị xáo trộn, nguồn kinh phí bị cắt giảm đến những yếu tố khách quan (như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19) nhưng toàn ngành đã nỗ lực cố gắng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cũng theo người đứng đầu ngành DS-KHHGĐ, năm 2020 có rất nhiều chương trình, đề án về CTDS cần được triển khai thực hiện. Trong đó, một số chương trình đã được Thủ tướng phê duyệt như: Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Đề án về nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển... Để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án này cũng như hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, Tổng Cục trưởng Nguyễn Doãn Tú đề nghị các tỉnh chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nội tại của cơ sở mình. Cùng với đó, ổn định tâm lý cán bộ, tập trung triển khai, đẩy mạnh thực hiện CTDS trong 6 tháng cuối năm để đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Tiếp tục tăng cường chương trình KHHGD, chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mở rộng chương trình tầm soát các dị dạng, bệnh, dị tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số; triển khai đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi...

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242531/on-dinh-bo-may-to-chuc-de-lam-tot-cong-tac-dan-so.html