Ổn định chính sách, hài hòa quyền lợi

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất đó là quy định thời gian được hưởng lương hưu, tỷ lệ lương hưu và quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương giải quyết thủ tục bảo hiểm cho người lao động. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương giải quyết thủ tục bảo hiểm cho người lao động. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được đánh giá là ưu việt và nhân văn hơn khi hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, giảm số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần…

Song, theo các chuyên gia và người lao động, dự thảo Luật vẫn có nhiều điểm phải điều chỉnh để đảm bảo hài hòa lợi ích trong chính sách.

* Chế độ nghỉ hưu cần phù hợp với thực tế

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nội dung được nhiều người lao động quan tâm nhất đó là quy định thời gian được hưởng lương hưu, tỷ lệ lương hưu và quy định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Khách hàng giao dịch tại phòng Một cửa Bảo hiểm Xã hội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Khách hàng giao dịch tại phòng Một cửa Bảo hiểm Xã hội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Bà Võ Thị Huỳnh Trâm, Giám đốc nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sonion Việt Nam cho rằng, độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đủ 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là quá cao.

Thực tế, nhiều người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội sớm và đã đủ năm đóng nhưng lại chưa đủ tuổi để nhận lương hưu. Việc phải chờ lĩnh lương hưu quá lâu đã khiến người lao động quyết định nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chung ý kiến, bà Trương Thị Kiều Như, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Sankyo cho hay, nhận lương hưu khi về già để không phụ thuộc vào con cháu là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, giữa nhận bảo hiểm xã hội một lần và chờ để nhận lương hưu, nhiều lao động lựa chọn rút bảo hiểm xã hội, nhất là những người khu vực ngoài Nhà nước.

Đặc biệt, những lao động sau 40 tuổi bị các doanh nghiệp luân chuyển, sa thải rơi vào cảnh “tuổi hưu chưa đến nhưng tuổi nghề đã hết” sẽ sống bằng gì để chờ đến ngày được nhận lương hưu?

Một cán bộ Công đoàn tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, thời gian chờ được nhận lương hưu quá lâu mà mức hưởng quá thấp khiến nhiều lao động không muốn đóng tiếp và chuyển sang rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo người này, để giữ người lao động ở lại với hệ thống an sinh, dự thảo Luật cần tính toán giảm thời gian nghỉ hưu và mức lương hưu hợp lý, ít nhất là phải bằng mức lương tối thiểu vùng.

Do đó, các ý kiến đề xuất nên xem xét điều chỉnh quy định tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt, theo số năm đóng bảo hiểm xã hội. Ở khối lao động làm việc công sở, quy định 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ là phù hợp.

Tuy nhiên, tuổi nghỉ hưu đối với người lao động lao thủ công không nên quy định “cứng”. Bởi vì những lao động này, với môi trường độc hại, sẽ ít trường hợp làm việc đến 60 hoặc 62 tuổi. Anh Trần Quang Đại (46 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) kiến nghị, nên hạ mức tuổi hưởng lương hưu xuống mới giảm được tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

“Hiện nay, người lao động ở khu vực ngoài Nhà nước rất bức xúc với quy định tuổi nghỉ hưu quá cao. Làm việc đến 60 - 62 tuổi với những người làm việc tay chân cường độ cao là bất khả thi”.

* Đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động

Về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần, theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hai phương án được đưa ra. Phương án 1 là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được rút một lần.

Người lao động được rút 100% quá trình đóng bảo hiểm xã hội nếu có nhu cầu. Phương án 2, người lao động được rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phương án nhận 50% tiền bảo hiểm xã hội một lần, 50% còn lại sẽ nhận khi hết tuổi lao động sẽ gây xáo trộn lớn về lao động và tình hình quan hệ lao động.

Chính sự xáo trộn trong chính sách khiến cho người lao động không yên tâm và gây ra làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt như thời gian qua. Theo ông Trần Văn Triều, để khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, cần tính toán lại mức hưởng lương hưu phù hợp hơn, trong đó có tính đến yếu tố trượt giá trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội kéo dài.

Không tán thành với phương án “nhận 50%, giữ 50%”, ông Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, qua những khảo sát thực tế, lao động trên 40 tuổi thường rút bảo hiểm xã hội một lần vì muốn giải quyết khó khăn gia đình hoặc chuyển hướng nghề nghiệp. Do đó, việc chỉ rút được một nửa tiền không giúp người lao động giải quyết được vấn đề của mình.

Ông Lê Văn Thành nêu ví dụ, một người lao động nếu rút bảo hiểm xã hội một lần được 200 triệu, họ có thể mua phương tiện làm ăn, mở cửa hàng nhỏ hoặc sửa nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ được rút 50%, với 100 triệu, người lao động không thể giải quyết được nhu cầu cấp bách trước mắt. Trong khi đó, 50% bảo hiểm xã hội còn lại không thể đảm bảo mức lương hưu đủ sống khi về già.

Do đó, theo ông Lê Văn Thành, dự thảo Luật cần xem xét cẩn trọng những động lực và hạn chế của người lao động hiện nay. Từ đó, đưa ra các phương án để người lao động lựa chọn, tự quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào. Song, điều quan trọng nhất vẫn cần cơ chế về cơ hội việc làm, tiền lương tương xứng để khuyến khích họ ở lại thị trường lao động và với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đồng quan điểm, bà Trần Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, qua nắm bắt ý kiến của người lao động, phương án rút bảo hiểm xã hội tối đa 50% có thể làm cho người lao động lo sợ và vô tình tạo nên làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần ồ ạt trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.

Hiện nay, tình hình thị trường lao động đang có nhiều biến động. Nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Điều này khiến thu nhập, lương của người lao động bị ảnh hưởng và nhiều người đã phải tính đến phương án rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Do đó, về căn cơ, cần đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động để họ yên tâm lao động, sản xuất. Từ đó, người lao động sẽ tiếp tục ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội đến thời điểm nhận lương hưu, góp phần ổn định an sinh xã hội của đất nước./.

Đinh Hằng - Thanh Vũ/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/on-dinh-chinh-sach-hai-hoa-quyen-loi/294363.html