Ổn định đàn vật nuôi trong bối cảnh dịch bệnh

Giá sản phẩm giảm, giá thức ăn tăng, đầu ra không ổn định, nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi… đó là những khó khăn, thách thức mà ngành chăn nuôi đang phải đối mặt do ảnh hưởng của COVID-19 gây ra. Để giữ ổn định đàn vật nuôi, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải có những giải pháp thận trọng, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, giảm tối đa lây lan dịch bệnh, tiết kiệm vật tư, thức ăn, đảm bảo năng suất, chất lượng.

 Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết với công ty thức ăn chăn nuôi giúp chia sẻ được rủi ro trong sản xuất - Ảnh: T.Q

Chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết với công ty thức ăn chăn nuôi giúp chia sẻ được rủi ro trong sản xuất - Ảnh: T.Q

Theo các hộ chăn nuôi, COVID-19 đang gây ra nhiều khó khăn cho việc phát triển sản xuất chăn nuôi, nhất là việc tăng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào và giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh so với năm 2020. Chị Lê Thị Phụ, chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ chia sẻ, từ cuối năm 2020 đến nay giá các các loại vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, vắc xin liên tục tăng. Trong khi giá lợn hơi được thương lái thu mua lại liên tục sụt giảm.

Nếu như năm 2020 có nhiều thời điểm giá lợn hơi lên đến 90.000 - 93.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. “Chi phí để sản xuất ra một cân lợn hơi khoảng 50.000 - 60.000 đồng, như vậy không có lãi. Với tình hình này, người chăn nuôi như chúng tôi sẽ phải tính toán thận trọng khi tái đàn”, chị Phụ nói.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), những diễn biến phức tạp của COVID-19 thời gian gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển sản xuất chăn nuôi, nhất là việc tăng đàn và đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm trong thời điểm này. Trong khi giá các loại vật tư đầu vào vẫn đang có xu hướng tăng thì giá sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh so với năm 2020. Đơn cử như giá thịt lợn hơi dao động ở mức 55.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm… chưa được khống chế hoàn toàn. Kết hợp với phương thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao. Một khó khăn nữa là vừa qua, thành phố Đông Hà có thời gian giãn cách xã hội, cán bộ thú y cũng phải thực hiện nghiêm việc cách ly để phòng chống dịch bệnh. Tại thời điểm đó, Cơ sở giết mổ động vật tập trung Phường 1 ở khu phố Tây Trì, Phường 1, thành phố Đông Hà bị phong tỏa cách ly y tế do COVID-19. Đã có 4 cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ của Trạm CN&TY thành phố Đông Hà buộc phải cách ly y tế tập trung.

Đồng hành với người chăn nuôi, trong 9 tháng đầu năm 2021, cùng với việc triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Chi cục CN&TY đã tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, điều kiện cơ sở chăn nuôi phù hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vắc xin, thức ăn cho gia súc, gia cầm…

Đồng thời chủ động đề xuất phương án giết mổ, cung ứng động vật, sản phẩm động vật, bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định. Nhờ vậy tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn có bước tăng trưởng khá. Tổng đàn lợn duy trì 148.500 con, tăng 4,09% so với cùng kỳ, đạt 84,86% kế hoạch năm; đàn gia cầm hơn 3,62 triệu con, tăng 4,07% so với cùng kỳ và đạt 100,61% kế hoạch năm; đàn bò 55.930 con, giảm 1,32% so với cùng kỳ, bằng 93,84% so với kế hoạch năm. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 30.200 tấn, đạt 73,66% kế hoạch năm. Kết quả này khẳng định ngành chăn nuôi vẫn đang được duy trì ổn định, đảm bảo năng lực cung ứng các sản phẩm chăn nuôi như con giống gia súc, gia cầm, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm…

Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Nguyễn Trung Hậu cho biết, toàn tỉnh hiện có 399 trang trại chăn nuôi. Trong đó, có 4 hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, 60 trang trại chăn nuôi gia công liên kết với các công ty thức ăn chăn nuôi, 2 trang trại chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận VietGAPH (gồm 1 trại gà, 1 trại lợn). Nhằm ổn định đàn vật nuôi trong bối cảnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, Chi cục CN&TY đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê các cơ sở chăn nuôi có số lượng lớn, thông qua các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ, thu mua, vận chuyển, tạm trữ, tiêu thụ sản phẩm, kiên quyết không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế; cung cấp đủ nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, ngay cả trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp. Tập trung hỗ trợ, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Quy hoạch, xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín an toàn dịch bệnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng vắc xin, nhất là với những dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò, lở mồm long móng...; tiêm phòng bổ sung cho vật nuôi mới nhập và đàn vật nuôi đến tuổi tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhằm tạo miễn dịch chủ động. Hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói rét, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chú trọng những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, phát hiện sớm các ổ bệnh và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh ở diện hẹp, không để lây lan rộng, khó kiểm soát.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161711&title=on-dinh-dan-vat-nuoi-trong-boi-canh-dich-benh