Ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, làm hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa, đất sản xuất. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều khu tái định cư được xây dựng mới, góp phần ổn định lâu dài đời sống người dân. Tuy nhiên, để người dân 'an cư, lạc nghiệp', cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền nơi đây.

Nhà dân tại khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Ðà Bắc.

Nhà dân tại khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Ðà Bắc.

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, làm hàng nghìn hộ dân mất nhà cửa, đất sản xuất. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều khu tái định cư được xây dựng mới, góp phần ổn định lâu dài đời sống người dân. Tuy nhiên, để người dân "an cư, lạc nghiệp", cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền nơi đây.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, hiện nay, tỉnh có 423 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao, với 3.905 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng, cần phải có phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Ðinh Duy Chuyên cho biết, năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố bố trí, ổn định dân cư cho 1.083 hộ. Trong đó, hoàn thành 13 dự án di dân khẩn cấp do bị ảnh hưởng mưa bão năm 2017 và đã bố trí sắp xếp được 489 hộ di dân đến các khu tái định cư mới, 84 hộ bố trí theo hình thức xen ghép, giúp người dân ổn định cuộc sống lâu dài.

Huyện Ðà Bắc là một trong những huyện vùng cao phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong mùa mưa lũ các năm 2017, 2018; làm nhiều bản làng tan hoang, Chủ tịch UBND huyện Ðà Bắc Nguyễn Ðức Dũng cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, sự chủ động của người dân vùng lũ; đến nay, cơ bản người dân đã có cuộc sống ổn định trong các khu tái định cư, yên tâm lao động và sản xuất. Trong đó, các khu tái định cư tại các xã Suối Nánh, Mường Chiềng, Tiền Phong, Vầy Nưa, Ðồng Ruộng được đầu tư, khoảng hơn 50 tỷ đồng để giải quyết chỗ ở cho hàng trăm hộ dân sau khi di dời khỏi vùng nguy hiểm. Các hộ dân mất nhà cửa, đất sản xuất sau mưa lũ được chính quyền hỗ trợ lương thực, cây, con giống. Huyện Ðà Bắc cũng dành nguồn vốn hàng chục tỷ đồng để tu sửa các công trình hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, toàn huyện hiện vẫn còn 170 điểm dân cư không an toàn, có nguy cơ về sạt lở đất, đá lăn, lũ quét tại 18 trong số 20 xã, thị trấn, với 714 hộ. UBND huyện đang lên phương án bố trí xen ghép cho 287 hộ, ổn định tại chỗ cho 287 hộ và xây dựng hai khu dân cư tập trung tại xã Mường Tuổng, Suối Nánh cho 140 hộ.

Ðưa chúng tôi đến khu tái định cư xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, huyện Ðà Bắc, Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Kỳ chia sẻ, trận lũ lịch sử tháng 10-2017, làm toàn bộ 33 hộ dân tộc Dao, với 123 người dân ở xóm Chòm Bai bị mất hoàn toàn nhà cửa, ruộng vườn. Sau mưa, lũ chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép để đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao mặt bằng cho các gia đình. Ðến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, khu tái định cư xóm Lau Bai được quy hoạch 4,8 ha đã được đầu tư xây dựng hạ tầng đầy đủ, đồng bộ, với điện, đường, trường, trạm y tế... đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các hộ dân di dời đến nơi ở mới an toàn, chính quyền nơi đây đã tuyên truyền, vận động người dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo; trong đó, tận dụng vị trí địa lý tiếp giáp lòng hồ Hòa Bình để phát triển nghề nuôi cá lồng. Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa Bùi Văn Kỳ cho biết, các hộ dân trong khu tái định cư đã mở rộng và phát triển quy mô hơn 40 lồng cá, chủ yếu là các giống cá lăng, chiên, trắm đen. Một số hộ còn mở rộng diện tích rừng sản xuất lên gần 100 ha cây keo, luồng. Bên cạnh đó, sau khi ổn định chỗ ở, nhiều hộ tận dụng diện tích vườn nhà để trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 33%, hộ cận nghèo chiếm 22%.

Ngồi trước căn nhà một tầng, rộng rãi, thoáng mát, chị Lý Hồng Thủy vừa gọt măng rừng vừa nói chuyện với chúng tôi. Chỗ ở cũ của gia đình nằm cheo leo trên đồi ở xóm Chòm Bai cách nơi ở mới chưa đến 1 km. Ðợt mưa, lũ năm 2017, nhà chị bị sạt lở hoàn toàn, nguy hiểm, không thể ở được. Ðược sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị là người đầu tiên nhận đất và xây nhà. Với 20 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ, cùng với việc các tổ chức từ thiện giúp 50 triệu đồng, gia đình chị vay mượn thêm từ bạn bè để dựng căn nhà mới trên mảnh đất 400 m2 được cấp. Bây giờ cuộc sống đã tốt hơn, không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa lũ về.

Mặc dù khu tái định cư mới xóm Lau Bai đang từng bước hoàn thiện khang trang, với đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết, nhưng người dân vẫn còn băn khoăn. Trưởng xóm Lau Bai Bùi Văn Vinh cho biết, nhà anh cũng bị trận lũ lịch sử năm 2017 cuốn trôi, nhưng anh vẫn chưa quyết định xây nhà ở địa điểm mới. Nguyện vọng của anh cũng như những hộ dân nơi đây là được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mảnh đất ở khu đất mới.

Vượt qua khó khăn, nhờ sự quan tâm kịp thời của Ðảng bộ, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhất là nỗ lực của người dân địa phương, Hòa Bình đã dần khôi phục đời sống và phát triển kinh tế - xã hội tại những vùng đất thường xuyên xảy ra thiên tai. Trong thời gian tới, tỉnh lên phương án bố trí, ổn định dân cư theo hình thức di dân tập trung tại 12 khu tái định cư cho 470 hộ. Bố trí ổn định theo hình thức di dân xen ghép tại 99 điểm cho 836 hộ và bố trí tại chỗ hơn 204 điểm cho 2.206 hộ.

Bài, ảnh: TUẤN NGỌC và TRẦN HẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42703602-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-vung-bi-anh-huong-thien-tai.html