Ổn định kinh tế nhờ trồng cây nha đam
Sau hơn bốn năm trồng cây nha đam để phát triển kinh tế, vườn nha đam của chị Vương Thị Minh Thuận (TDP La Chữ Nam, phường Hương Chữ), thị xã Hương Trà đã có hơn 3 ngàn gốc cây trưởng thành và hàng trăm cây giống.
Mặc dù thời tiết đang khô hạn, nhưng nhìn vườn nha đam hơn 3 ngàn gốc một màu xanh mướt, tươi tốt của chị Thuận mới thấy chị đã dày công chăm bón, tưới tắm như thế nào.
Một mình nuôi hai con gái ăn học nên chị Thuận khá vất vả. Trước đây, chị làm đủ nghề, buôn bán từ quê lên phố để kiếm tiền mưu sinh, nhưng từ khi dịch bệnh, việc buôn bán của không thể cầm cự được nữa nên chị đành về quê làm nông. Vốn thân phụ nữ, lại một mình nên chị cũng không thể lo xuể việc đồng áng. Từ những hiểu biết qua thời gian làm ăn ở thành phố, chị nảy ra ý định tận dụng mảnh vườn rộng của gia đình để trồng cây nha đam.
“Thực ra trồng cây nha đam rất dễ, chỉ cần chăm bón phân, tưới nước vào mùa hè là cây phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Ngoài thu hoạch lá còn có thể bán cây giống. Trồng nha đam hoàn toàn không bón phân hóa học, nhưng trước khi xuống giống cần làm tốt khâu xử lý đất, như: trộn phân vi sinh để đất tơi xốp, lên luống và đòi hỏi phải có cách bố trí mật độ cây trồng hợp lý để cây hấp thụ được dinh dưỡng. Lựa chọn trồng cây nha đam vì ở đây chưa ai trồng mà một phần do đầu tư ban đầu thấp, tỷ lệ cây sống rất cao”, chị Thuận chia sẻ.
Nha đam trồng tầm 7-9 tháng thì cho thu hoạch những lứa đầu; sau đó, đều đặn tầm một tháng thì thu hoạch lứa tiếp theo. Đầu ra của loại cây trồng này thuận lợi vì thị trường khá ưa chuộng. Mặc dù vườn nha đam hơn 3 ngàn cây, cho thu hoạch quanh năm, nhưng chị Thuận chủ yếu vẫn bán lẻ vì số lượng không đủ cung cấp cho sỉ. Bởi nha đam rất tốt cho sức khỏe, dễ chế biến nên chị bán rất được giá, từ 15 ngàn đồng/kg. Hơn 3 ngàn cây nha đam trồng trong vườn, mỗi ngày chị bán tầm 20kg, mang lại cho chị thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Tính ra 1 sào nha đam bây giờ cho thu nhập cao hơn nhiều so với 1 sào trồng hoa màu, không những hiệu quả cao và ổn định hơn, ít bị chịu tác động của thời tiết, dịch bệnh. Nhờ thu nhập từ cây nha đam, cuộc sống của gia đình chị nay đã khá hơn.
Để cây phát triển tốt, tiết kiệm chi phí đầu tư chị Thuận đã áp dụng mô hình ủ phân hữu cơ bằng phương pháp IMO, tận dụng nguồn phế phẩm có ở địa phương như vỏ trấu, vỏ đậu, bèo, rơm và mua thêm phân bò về ủ hoai mục để bón cho nha đam.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây nha đam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Chữ đã khuyến khích hội viên học hỏi kinh nghiệm từ chị Thuận để tìm hướng tăng thu nhập từ mô hình này. Nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương đã đến tận vườn chị Thuận để tham quan, tìm hiểu. Chị Thuận cũng không ngại chia sẻ những kinh nghiệm mình có được và sẵn sàng cung cấp cây giống nếu các hội viên cần.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội LHPN phường Hương Chữ cho biết: Chị Thuận vốn là hội viên khó khăn khi phải một mình nuôi hai con gái ăn học, nhưng với sự tảo tần, chịu thương chịu khó chị đã tự tìm hiểu trồng nha đam phát triển kinh tế gia đình, đây cũng được xem là mô hình kinh tế mới ở địa phương. Trồng cây nha đam là một mô hình hiệu quả mở ra cơ hội tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Nếu chăm sóc đúng quy trình, giá ổn định thì cây nha đam cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Dám nghĩ, dám làm cùng với bàn tay tỉ mẩn, dày công vun xới, cây đã không phụ công người trồng, nay chị Thuận đã có thể hái “quả ngọt” khi vườn nha đam không những cho sản lượng cao, người tìm đến mua cây giống cũng ngày một tăng. Thu nhập từ vườn nha đam của chị đang ngày một ổn định và tăng lên.