Ổn định lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng
Gần đây, các ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi) khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính thanh khoản của các ngân hàng có bị 'căng thẳng'?
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia và lý giải của nhiều ngân hàng, điều này mừng hơn lo bởi nguyên nhân của việc tăng lãi suất thời gian gần đây là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Mặc dù lãi suất huy động tăng, song lãi suất cho vay lại duy trì ổn định...
Lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng
Theo thống kê, từ đầu tháng 12 đến ngày 9-12, trong nhóm ngân hàng tăng lãi suất có Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (Dong A Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB)… với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tăng trung bình gần 1% từ mức đáy trong tháng 3-2024.
Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn áp dụng lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng khoảng 5%-5,5%/năm; ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ là 5,5%-6%/năm, thậm chí có một số ngân hàng niêm yết lãi suất gửi tiết kiệm vượt 6%/năm nhưng không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Một số ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi lên 7,0-9,5%/năm, nhưng để được nhận mức lãi suất này cần đáp ứng những điều kiện đặc biệt… Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) áp dụng lãi suất rất cao khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Hay như một số ngân hàng cũng dành lãi suất cao cho khách hàng duy trì số dư tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng, với kỳ hạn 13 tháng trở lên, như Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) có lãi suất cao nhất 8,1%/năm...
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tiếp tục duy trì mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài thấp nhất trên thị trường: 4,7-4,8%/năm. Đại diện các ngân hàng trong nhóm "Big4" này đều khẳng định, việc duy trì lãi suất huy động ở mức thấp nhằm có thêm dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay.
Đáp ứng nhu cầu vốn
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 11-2024 là 15,3 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt hơn 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ gia tăng huy động vốn đạt 7,36%/năm. Rõ ràng, tốc độ tăng dư nợ khá lớn so với tốc độ huy động vốn. Điều này cũng lý giải một phần nguyên nhân của việc nhiều ngân hàng tăng lãi suất thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn ở thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Các chuyên gia phân tích, dù lãi suất huy động được điều chỉnh tăng nhưng thị trường không xuất hiện tình trạng thu hút dòng tiền bằng việc chạy đua lãi suất cao như năm trước. Theo tính toán, lãi suất VND ở mức 5%/năm là hợp lý vì chênh lệch với lạm phát khoảng 1%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất là để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng dịp cuối năm. Ngoài ra, tăng lãi suất huy động cũng là giải pháp cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.
Mặc dù lãi suất huy động tăng, song lãi suất cho vay lại duy trì ổn định. Hiện, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7- 9,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4%/năm.
Công ty Chứng khoán VPBankS dự báo, lãi suất huy động trong năm 2025 có thể tăng nhẹ hoặc đi ngang, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng hơn, khi các ngân hàng nhỏ có thể sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cao để thu hút vốn. Đại diện các ngân hàng cũng có nhận định, lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ chứ không tăng quá nóng và có thể giảm dần vào giai đoạn đầu năm sau, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán.
Ngoài ra, trước tình hình kinh tế biến động, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư. Với lãi suất huy động quanh mức 6%/năm, gửi tiết kiệm không chỉ bảo đảm lãi suất thực dương, mà còn giữ được tính thanh khoản cao. Số liệu cho thấy, tiền gửi ngân hàng đang giữ mức kỷ lục hơn 14 triệu tỷ đồng khi người dân tiếp tục chọn gửi tiết kiệm là kênh giữ tiền tốt nhất, bởi lãi suất đang "ấm" lên; nhà đầu tư đang thiếu kênh đầu tư phù hợp do thị trường chứng khoán, bất động sản khó khăn, trong khi vàng đang chững lại và tiềm ẩn nhiều rủi ro; thị trường nhiều bất ổn khiến nhà đầu tư có tâm lý gửi tiền vào ngân hàng để chờ đợi, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/on-dinh-lai-suat-de-thuc-day-tang-truong-687378.html