Ổn định sản xuất, kinh doanh
Thực hiện chủ trương tối ưu hóa quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã quyết liệt chỉ đạo các công ty điện lực triển khai đề án sáp nhập điện lực huyện.
Quyết liệt triển khai
Ông Lê Quang Thái - Phó Tổng giám đốc EVNNPC - cho biết, từ năm 2016, EVNNPC đã triển khai Đề án sáp nhập điện lực các huyện nhằm tối ưu hóa bộ máy quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả SXKD, phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước đây, các điện lực được thành lập theo đơn vị hành chính địa phương khiến bộ máy quản lý, nhân sự phình to với đầy đủ ban bệ, thành phần. Trong khi đó, có những địa bàn rất nhỏ, khối lượng tài sản ít, sản lượng điện thấp…, gây tốn kém chi phí, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh doanh không đạt. Chính vì nỗi trăn trở này, lãnh đạo EVNNPC đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị rà soát, nghiên cứu và xây dựng phương án sáp nhập điện lực huyện có quy mô nhỏ/vừa với điện lực khác gần kề. Việc sáp nhập vẫn phải bảo đảm ổn định trong SXKD, hoàn thành nhiệm vụ được giao; không xáo trộn về tổ chức, không điều chuyển lao động trực tiếp đi hoặc đến.
Chia sẻ cụ thể hơn về những lợi ích của việc sáp nhập các điện lực, ông Lê Quang Thái cho biết, khi sáp nhập hai điện lực vào một, sẽ giúp bộ máy quản lý tinh gọn, giảm lực lượng lao động gián tiếp. Việc sáp nhập cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cấp điện lực phải nâng cao năng lực quản lý điều hành. Trên cơ sở thu về một đầu mối, công tác quản lý, vận hành lưới điện thông qua các giải pháp kỹ thuật sẽ được thực hiện tốt hơn. Công tác điều động nhân sự, phương tiện, vật tư cũng được tốt hơn, nhất là khi có sự cố hoặc sửa chữa lớn. Đặc biệt, sau sáp nhập, việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của khách hàng không bị ảnh hưởng vì tại điện lực sáp nhập vẫn có điểm giao dịch tiếp nhận yêu cầu của khách hàng. Công tác chỉ đạo liên ngành của địa phương cũng không bị ảnh hưởng nên hầu hết chính quyền địa phương đều ủng hộ chủ trương của tổng công ty và các công ty điện lực.
Những kết quả tích cực
Trước khi thực hiện Đề án sáp nhập năm 2019, toàn EVNNPC có 271 điện lực thuộc 27 công ty điện lực tỉnh/thành phố ở miền Bắc. Khi hoàn thành đề án, EVNNPC chỉ còn 226 điện lực (giảm 45 điện lực). Theo đề án, đến cuối năm 2019, EVNNPC sẽ thực hiện sáp nhập 25 điện lực tại 13 công ty điện lực. Năm 2020, hoàn thiện nốt các điện lực còn lại ở tất cả công ty điện lực trực thuộc. Đến hết tháng 6/2019, đã có Công ty Điện lực (PC) Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên, Lạng Sơn, Thái Bình, Thái Nguyên hoàn thành.
Là địa phương tiên phong và đã hoàn thành việc sáp nhập, ông Cầm Văn Giáo - Giám đốc PC Sơn La - chia sẻ, trước khi thực hiện sáp nhập, PC Sơn La có 11 điện lực trực thuộc. Năm 2016, PC Sơn La thực hiện thí điểm sáp nhập Điện lực Bắc Yên vào Điện lực Phù Yên. Sau 3 năm vận hành và đúc kết kinh nghiệm, năm 2019, công ty tiếp tục xây dựng phương án và sáp nhập thêm 6 đơn vị, giảm 3 điện lực. Toàn bộ các phòng quy về một đầu mối với trụ sở giao dịch chính đóng tại điện lực nhận sáp nhập; địa điểm giao dịch tại các điện lực sáp nhập chỉ hoạt động như một tổ cụm. Từ ngày 1/7/2019, các điện lực sau sáp nhập đã ổn định SXKD.
Theo ông Cầm Văn Giáo, sở dĩ PC Sơn La làm tốt việc sáp nhập là do cấp ủy và Ban lãnh đạo, quản lý có sự đồng thuận cao, không ngại đổi mới, không có tư tưởng cục bộ. Trước và trong quá trình thực hiện, công ty đã làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động, tạo được sự đồng thuận của toàn đơn vị. Đặc biệt, dù thực hiện sáp nhập nhưng việc quản lý, vận hành cung cấp điện cho khách hàng; tiếp nhận, giải quyết yêu cầu sử dụng điện tại địa bàn vẫn được chú trọng.
Việc sáp nhập các điện lực địa phương là bước đi đúng đắn của EVNNPC, thể hiện quyết tâm đổi mới của đội ngũ lãnh đạo tổng công ty trong việc tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tăng năng suất lao động và SXKD, dịch vụ khách hàng phù hợp với bối cảnh hội nhập.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/on-dinh-san-xuat-kinh-doanh-122613.html