Ổn định thị trường hàng hóa trong mùa dịch
Trong những tháng đầu năm 2021, ngành thương mại, dịch vụ của tỉnh có sự hồi phục đáng kể, đạt tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong nước, trong tỉnh làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, mặc dù một số hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động trở lại.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng lúa ước đạt 271,3 nghìn tấn, tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng rau các loại ước đạt 168,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng cây ăn quả ước đạt 84,0 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước đạt 2.726,2 tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn đạt gần 28,6 nghìn tấn, tăng 7,0%; đàn gia cầm ước đạt 9,6 nghìn tấn, tăng 18,6%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 14,0 triệu quả, tăng 5,8%; sản lượng thủy sản ước đạt 47,3 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước...
Để đảm bảo lưu thông hàng hóa nói chung, hàng nông sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình đã ưu tiên sử dụng nguồn hàng tự cung ứng từ nông sản trong tỉnh đáp ứng cơ bản được 80-85% nhu cầu toàn tỉnh. Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm như mỳ tôm, dầu ăn, mắm, muối… sẽ được cung ứng bởi các đơn vị, nhà phân phối, các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu. Các đơn vị đã tăng lượng hàng dự trữ từ 50-100% và luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh khi có các tình huống dịch diễn ra.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh tháng 9 ước đạt gần 2.760,6 tỷ đồng, giảm 1,0% so với tháng 9/2020, là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2021 ghi nhận mức sụt giảm của hoạt động bán lẻ.
Một số nhóm hàng hóa không thiết yếu có mức giảm cao như: nhóm hàng may mặc ước đạt 196,5 tỷ đồng, giảm 17,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 286,6 tỷ đồng, giảm 7,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục 53,2 tỷ đồng, giảm 1,5%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) 154,0 tỷ đồng, giảm 13,0%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 60,2 tỷ đồng, giảm 1,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 89,5 tỷ đồng, giảm 4,1%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 69,8 tỷ đồng, giảm 4,0%...
Bên cạnh đó, các nhóm hàng hóa thiết yếu vẫn đạt mức tăng so với cùng tháng năm trước: lương thực, thực phẩm 866,6 tỷ đồng, tăng 6,9%; gỗ và vật liệu xây dựng 474,4 tỷ đồng, tăng 1,7%; hàng hóa khác 118,5 tỷ đồng, tăng 4,6%.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công thương đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các vấn đề có liên quan đến dự trữ, cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu không để bị đứt, gãy chuỗi sản xuất, cung ứng phục vụ người dân, nhất là người dân trong vùng dịch.
Theo đó, Sở Công thương đã xây dựng nhiều kịch bản, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, thực hiện phương án dự trữ mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng cung ứng theo sự điều tiết của các cấp có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.
Sở Công thương đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc dự trữ hàng hóa và đảm bảo bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn mới.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình cụ thể, bảo đảm tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, để ổn định thị trường, Sở Công thương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có các hành vi tích trữ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm ra thị trường.
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục theo dõi tình hình thị trường giá cả hàng hóa, nắm bắt kịp thời hàng hóa thiết yếu dự trữ để ứng phó với tình hình dịch COVID-19; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân và các tỉnh, đôn đốc UBND các huyện, thành phố xây dựng Phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch COVID-19 và việc cập nhật trạng thái lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm