Ổn định thị trường lao động trong đại dịch Covid-19
Do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt trong thời gian qua, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 ở một số địa phương đã tác động không nhỏ đến việc cung - cầu lao động. Hiện nay, tỉnh ta cũng như các địa phương khác đã quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Nghị quyết số 128), góp phần ổn định thị trường lao động.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
Theo đại diện của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp dệt may Phố Nối B) do nhu cầu mở rộng sản xuất, công ty đang tuyển dụng 4.000 lao động cho các vị trí: Công nhân may, công nhân đứng máy dệt, kiểm hàng và các vị trí biết tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Để tuyển dụng được số lượng lớn lao động, công ty đã đưa ra mức thu nhập khá hấp dẫn, từ 8 đến 15 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí việc làm và nhiều chế độ đãi ngộ như: Trợ cấp xăng xe; trợ cấp thuê nhà ở; trợ cấp nuôi con nhỏ; thưởng chuyên cần; có xe đưa đón; thực hiện đóng đầy đủ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Hiện nay, sau khi thực hiện Nghị quyết số 128 và Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 15.10.2021 của UBND tỉnh về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tin tưởng rằng việc tuyển dụng của công ty sẽ thuận lợi hơn và tuyển đủ số lượng công nhân theo yêu cầu.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), sau khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 cơ bản được kiểm soát, số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng có xu hướng tăng nhưng không nhiều. Theo khảo sát, đến đầu tháng 11.2021, có 136 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, trong đó có 122 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, 14 doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 21,6 nghìn lao động chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, sản xuất linh kiện điện tử. Phần lớn lao động tuyển dụng là lao động chưa qua đào tạo hoặc có trình độ chuyên môn sơ cấp – trung cấp. Một số ít doanh nghiệp tuyển dụng một số vị trí nhân sự chủ chốt có trình độ chuyên môn và đáp ứng yêu cầu thành thạo về ngoại ngữ.
Qua kết quả của các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cũng như hoạt động chuyên môn từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm nhận định: Trên địa bàn tỉnh có sự mất cân đối giữa cung-cầu lao động về: Trình độ chuyên môn, giới tính, lĩnh vực ngành nghề; cung không đáp ứng đủ cầu, tập trung chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông của các ngành như: May, giày da. Lao động có trình độ chuyên môn nhưng thiếu kỹ năng làm việc; kỹ năng làm việc còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả kết nối cung – cầu lao động. Một số ngành nghề yêu cầu có kỹ năng nghề như: Điện, điện tử, cơ khí hàn, sửa chữa ô tô, xe máy... hiện đang thiếu lao động… Thời gian tới, dự báo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sẽ tăng cao. Các doanh nghiệp trong tỉnh cần số lượng lớn vị trí việc làm “trống” trong tháng và tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Kế toán, tư vấn, bán hàng, nhân viên kinh doanh, công nhân, cơ khí, điện, điện tử… Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 40-55%, còn lại là việc làm dành cho lao động phổ thông, công nhân, may mặc, bảo vệ…
Sản xuất tại Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Việt (huyện Yên Mỹ)
Ảnh minh họa
Tỉnh ta hiện có trên 722 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 84%. Vì vậy, nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động rất lớn. Với vai trò là cơ quan đầu mối trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, 9 tháng năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm, học nghề, chính sách, chế độ lao động cho 30.810 lượt người. Đồng thời, tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 3 phiên giao dịch việc làm online với sự tham gia của 276 doanh nghiệp. Tổng số lao động được phỏng vấn trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm là 2.255 người, trong đó có 1.105 người lao động được tuyển dụng trực tiếp tại sàn…
Để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, công tác đào tạo nghề cũng là một trong những yếu tố quan trọng mở ra cơ hội cho người lao động có việc làm ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đổi mới hình thức, nội dung chương trình dạy nghề theo hướng ứng dụng, thực hành, đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. 9 tháng năm 2021, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 28.500 người; giải quyết việc làm cho khoảng 17.400 người, trong đó, xuất khẩu lao động cho 1.850 người.
Cùng với đó, tỉnh tích cực triển khai thực hiện các chính sách về đào tạo nghề như: Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghề, đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ…
Kết nối cung – cầu lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với phát triển kinh tế -xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề; rà soát, thu thập thông tin thị trường lao động; cập nhật biến động cung - cầu của thị trường; tổ chức giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động...