Ổn định thu nhập từ kinh tế tổng hợp
Với sự nhạy bén trong sản xuất, năng động, sáng tạo, nhất là biết nắm bắt thị trường, thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đồng Phú đã mạnh dạn phá vỡ thế độc canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thị ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước được nhiều người biết đến về việc trồng và làm giàu từ các loại cây ăn trái. Ngày mới vào Đồng Phú lập nghiệp, gia đình ông chọn trồng cây cà phê, điều trên 4 ha đất. Sau thời gian học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, cùng sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, ông đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây ăn trái. Để vườn cây xanh tốt, gia đình ông tích cực cải tạo đất, đào ao để tích nước phục vụ cây trồng vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Nhờ đó, sau thời gian dày công chăm sóc, vườn cây ăn trái của gia đình ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Khi bắt đầu chuyển đổi sản xuất, ông Thị đã tính toán đến chuyện đa dạng hóa cây trồng bằng việc phát triển nhiều loại cây ăn trái đang có giá trên thị trường. Trong đó, cây sầu riêng và xoài luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện gia đình ông sở hữu 6 ha cây trồng gồm: xoài, ổi, sầu riêng, bưởi da xanh, cao su, tiêu, điều cho thu nhập trên 2 tỷ đồng mỗi năm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở ấp 5, xã Tân Lập cũng đã mạnh dạn chuyển đổi vườn điều sang trồng dừa xiêm và bưởi da xanh. Hiện ông có 4 ha dừa 5 năm tuổi, đã cho thu 3 năm và gần 1 ha bưởi da xanh. Ông Thắng chia sẻ: “Làm nông nghiệp trong thời kỳ này, nông dân phải nắm bắt nhu cầu thị trường thì mới có hy vọng thành công, chứ không thể làm theo kiểu được chăng hay chớ. Nông dân nên đa dạng cây trồng, vật nuôi ngay trên chính vườn rẫy của mình để hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế. Đặc biệt, nông dân phải mạnh dạn thử nghiệm trồng cây mới, đa dạng trong chăn nuôi. Phải thử nghiệm thì mới biết và thành công”.
Chính từ việc mạnh dạn phá thế độc canh và với sự năng động của mình, ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có mức thu nhập vài trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như ông Cao Văn Na ở xã Thuận Lợi với mô hình trồng măng cụt, tầm vông, bưởi da xanh, cam và chăn nuôi dê cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm; mô hình trồng chôm chôm Thái, bưởi da xanh, cam của chị Nguyễn Thị Phượng ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng; anh Lê Văn Trung, ấp Cây Điệp, xã Tân Phước với mô hình đào ao nuôi cá kết hợp trồng điều, cao su cho thu nhập hơn 400 triệu đồng mỗi năm.
Những năm gần đây, các loại cây trồng như tiêu, điều, cao su liên tục mất mùa, mất giá nên nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang trồng xen canh một số loại cây trồng khác để tránh rủi ro, tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, nông dân cũng cần mạnh dạn đầu tư, đa dạng cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để có thu nhập ổn định và góp phần đa dạng nền nông nghiệp của địa phương.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/131437/on-dinh-thu-nhap-tu-kinh-te-tong-hop