Ðơn Dương: Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết tố cáo, khiếu nại
Những năm qua, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo được cấp ủy, chính quyền các cấp tại huyện Đơn Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo được cụ thể hóa, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 113-KH/TU, ngày 20/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 159-KH/HU ngày 17/3/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; qua đó, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện trong những năm qua được thực hiện cơ bản đúng quy trình, quy định, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm được giải quyết, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn còn diễn biến khá phức tạp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... Vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài vẫn còn xảy ra trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, từ khi thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, Huyện ủy và UBND huyện Đơn Dương đã chỉ đạo các xã, phường bố trí địa điểm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và cơ quan thực hiện đúng quy định pháp luật. Hằng tháng, bí thư, chủ tịch UBND các cấp duy trì lịch tiếp công dân.
Theo đó, kết quả tiếp công dân của người đứng đầu cấp ủy: bí thư huyện ủy tiếp 114 cuộc với 198 lượt kiến nghị, phản ánh của công dân. Bí thư cấp xã tiếp 1.480 cuộc với 184 lượt kiến nghị, phản ánh của công dân. Kết quả tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp: Chủ tịch UBND huyện tổ chức được 125 buổi tiếp với 132 lượt người, tiếp nhận 130 vụ việc. Chủ tịch UBND xã, thị trấn tiếp 4.578 buổi tiếp với 313 lượt công dân, 223 vụ việc, trong đó tiếp 4 đoàn đông người. Đã giải quyết 223/223 vụ việc. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, chế độ, chính sách, như: tranh chấp đất đai, đòi lại đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tài sản, về chế độ cán bộ, công chức; tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, môi trường, khiếu nại về các quyết định hành chính liên quan...
Kết quả công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp: Đồng chí bí thư huyện ủy đã tổ chức 12 cuộc hội nghị đối thoại trực tiếp với các tầng lớp Nhân dân tại 10 thôn, tổ dân phố tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, qua đó đã tiếp nhận 146 lượt ý kiến, phản ánh, nguyện vọng, những vấn đề Nhân dân quan tâm ở địa phương, cơ sở. Đồng thời, xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết những kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Nhìn chung, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Đơn Dương có chiều hướng giảm so với trước đây (giảm về số đoàn đông người, số khiếu kiện phức tạp, vượt cấp). Các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người nhìn chung ít gay gắt, phức tạp hơn giai đoạn trước khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW; các vụ việc phát sinh cơ bản được xác minh, kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết hợp tình, hợp lý, tạo được sự đồng thuận của người dân, qua đó đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra được tăng cường, kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được củng cố, kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương cho biết: Tiếp công dân là giai đoạn đầu và nếu làm tốt, nó là "chìa khóa" để giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó bảo vệ lợi ích của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để công tác tiếp công dân thực sự thực chất, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, nhiều xã, thị trấn đã đưa nhiệm vụ tiếp công dân trở thành quyết tâm chính trị để nâng cao chất lượng công tác này.
Tiếp công dân thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với Nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập được những thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chính sách, chủ trương, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân. Trong thời gian qua, công tác tiếp công dân đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thông qua tiếp công dân, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết.
Việc tiếp công dân đã đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người dân, hướng tới Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân, nhất là tại các địa phương có dự án phát triển kinh tế - xã hội, phải thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Tập trung rà soát, đề ra giải pháp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân còn tồn đọng, không để kéo dài, vượt cấp gây bức xúc trong Nhân dân. Tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác cho đội ngũ trực tiếp làm công tác tiếp dân, xử lý, tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo. Nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân.