Ôn tập môn Hóa học: Dành thời gian luyện đề
Đối với môn Hóa học, cô Nguyễn Thị Yến (GV Trường THPT Thanh Chương 1, Nghệ An) khuyên HS nên dành thời gian luyện đề. Câu nào không làm được, hoặc làm sai thì dừng lại để ôn cả vùng kiến thức của câu đó.
Từ đó trám lỗ hổng và hệ thống lại kiến thức đầy đủ nhất cho kỳ thi.
Tập trung luyện và chữa đề thi
Theo cô Nguyễn Thị Yến, với môn Hóa học, giai đoạn này không ôn theo chuyên đề nữa, mà các em tập trung luyện đề như một cách để hệ thống kiến thức và rèn kỹ năng làm bài.
Theo đó, cô giáo có trách nhiệm sưu tầm đề thi thử bảo đảm chất lượng, đúng cấu trúc như đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để cung cấp cho HS. Đề thi có thể lấy từ mạng Internet, ma trận đề của nhà trường, hoặc các trường THPT khác trên địa bàn, sao cho phù hợp với mặt bằng chất lượng HS. Sau đó, mỗi buổi ôn tập, cô Yến cho HS thi thử với thời gian 50 phút như Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Thời gian còn lại, cô hướng dẫn HS rà đáp án, xem làm sai câu nào. Với lỗi sai ở câu dễ, chủ yếu do chủ quan, "nhanh - ẩu - đoảng" dẫn đến nhầm lẫn, các em có thể nhận ra ngay. Còn những câu khó hơn, nếu sai ở đâu, cô trò sẽ làm lại vào vở, dừng lại để ôn toàn bộ vùng kiến thức xung quanh câu hỏi, thuộc chủ đề đó.
"Với cách làm này, HS vừa rèn được kỹ năng, tâm lý làm bài thi, tránh lỗi sai sót không đáng có, vừa ôn tập, nhận ra lỗ hổng kiến thức của mình ở đâu, hoặc vấn đề nào mới chỉ hiểu "lơ mơ" chưa đi đến bản chất để kịp thời bổ sung, hoàn thiện", cô Yến cho hay.
Cũng theo cô Yến, các câu hỏi phân loại HS, đạt điểm cao tập trung ở 4 câu cuối của đề thi minh họa. Đó là những câu về sơ đồ phản ứng hóa học hữu cơ, câu hỏi thực nghiệm, học thuyết peptit, muối… Về câu sơ đồ phản ứng, trong đề thi minh họa xuất hiện ở phần Hóa hữu cơ, và ở mức độ khó. Với câu hỏi này, HS không nắm vững kiến thức sẽ sai rất nhiều. Nhưng HS đam mê môn Hóa sẽ rất thích câu này vì thể hiện rõ bản chất hóa học. Tức là HS sẽ nhìn theo sơ đồ đó để tìm các chất. Tương tự, ở câu hỏi về muối amoni, cũng không nặng tính toán, không thiên về Toán học mà đi vào bản chất hơn, thực tế hóa học hơn.
Cô Nguyễn Thị Yến lưu ý: Những câu hỏi về vấn đề trên chính là câu kiếm điểm 9,5 - 10 của bài thi môn Hóa. Thí sinh cần rèn luyện, học kỹ bản chất vấn đề, lúc đó câu hỏi sẽ không khó khăn mà còn rất thú vị.
Ý thức học tập và sự quyết tâm
Theo cô Nguyễn Thị Yến, qua theo dõi những năm gần đây, sư phân hóa của HS trong lựa chọn tổ hợp môn thi THPT ngày càng rõ rệt. Trong đó, đa số HS không xét tuyển vào ĐH thường sẽ chọn môn tổ hợp Khoa học xã hội. Còn tổ hợp Khoa học tự nhiên chủ yếu được HS khối A, A1 và B lựa chọn. Vì vậy, với môn Hóa học, hầu hết HS có nền tảng cơ bản về các môn tự nhiên, chỉ khác mục đích đạt điểm cao để vào ĐH (đối với khối A, B) hoặc đạt điểm để xét tốt nghiệp đối với các em thi khối A1.
Mặt khác, với HS Trường THPT Thanh Chương 1, nếu lựa chọn thi ĐH, các em thường đăng ký nguyện vọng 1 vào trường có điểm xét tuyển khá cao. Vì thế, ở những HS này có quyết tâm và ý thức học ôn thi THPT nghiêm túc. Điểm thi sẽ phản ánh tố chất, năng lực của từng em cũng như nỗ lực chăm chỉ ôn tập của cả cô lẫn trò.
Năm học này Bộ GD&ĐT đã giảm tải một phần chương trình lớp 12 và cả trong đề thi minh họa. Các nhà trường và HS không gặp quá nhiều khó khăn, áp lực về Kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù có những điều chỉnh so với các năm trước.
Cụ thể, trong đề thi minh họa, 30 câu đầu tiên ở mức độ dành cho HS từ trung bình đến khá với mục đích tốt nghiệp. Còn lại 10 câu cuối ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Nếu đề thi thật có mức độ tương tự như đề thi minh họa, cô Yến đánh giá sẽ có nhiều điểm 7 – 8. Trong khi đó, để cạnh tranh vào trường ĐH, nhất là những trường tốp đầu, HS cần phải đạt điểm cao hơn.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/on-tap-mon-hoa-hoc-danh-thoi-gian-luyen-de-1595208848817.html