Ôn thi tốt nghiệp THPT: Bám sát chương trình, nắm vững kiến thức cơ bản
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức vào ngày 7 và 8/7. Hiện các trường THPT trong tỉnh Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 và khẩn trương ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho học sinh để sẵn sàng bước vào kỳ thi.
Chuẩn bị tốt kiến thức, sức khỏe
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay các bài thi giữ ổn định gồm: Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, tổ hợp môn Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 và theo cấu trúc đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố vào tháng 4/2022.
Nét mới năm nay là bắt buộc thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến và đăng ký xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những năm trước, các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trước khi thi và có thể thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, từ đầu năm học, Sở đã chỉ đạo các trường vừa tổ chức giảng dạy, vừa ôn tập cho học sinh lớp 12, giúp các em làm quen với các dạng đề, xây dựng chương trình ôn tập phù hợp với năng lực và nguyện vọng tổ hợp môn thi mà học sinh lựa chọn. Sở yêu cầu trước ngày 28/5, các trường phổ biến quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ coi thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, đặc biệt lưu ý đến các điểm mới trong quy chế, quy trình coi thi, chấm thi.
Trường THPT Yên Dũng số 2 hiện có 497 học sinh lớp 12. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường phân loại học lực để kịp thời thiết kế, điều chỉnh nội dung bài giảng, bảo đảm học sinh tiếp thu hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kỳ thi. Ngoài mục tiêu đỗ tốt nghiệp, giáo viên còn phát huy giảng dạy tốt các môn học thế mạnh như: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, giúp các em đạt điểm cao để dự tuyển vào các trường đại học top đầu cả nước.
Theo thầy giáo Dương Quốc Thịnh, giáo viên Vật lý, học sinh nên ôn kỹ các phần kiến thức cơ bản để giành trọn điểm các câu hỏi dễ, sau đó dành thời gian cho các câu khó để lấy điểm cao. Với cách hướng dẫn của thầy, năm học trước, nhà trường có 17 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Nhiều trường đã thành lập các tổ giáo viên hỗ trợ học sinh ở từng môn học. Như Trường THPT Yên Thế thành lập 5 tổ bộ môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hướng dẫn trực tuyến miễn phí cho học sinh ngoài giờ giảng dạy chính khóa; phân hóa theo 2 nhóm học sinh khá, giỏi và học sinh trung bình.
Với các em có lực học trung bình, giáo viên phụ đạo để củng cố kiến thức, luyện tập các dạng bài tập cơ bản theo cấu trúc đề thi. Với học sinh khá, giỏi, thầy cô gửi thêm tài liệu hướng dẫn tự mở rộng kiến thức, làm đề ở mức độ khó hơn. Em Đào Minh Trang, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Yên Thế nói: "Em dành nhiều thời gian tự học, hệ thống kiến thức để có thể làm được các dạng bài tập tổng quát; phân bổ thời gian hợp lý, tránh mệt mỏi, áp lực, chuẩn bị tốt sức khỏe để bước vào kỳ thi".
Chú trọng nâng chất lượng bài thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, toàn tỉnh có hơn 20,6 nghìn thí sinh đăng ký dự thi. Khắc phục khó khăn do dịch, các trường tổ chức ôn tập bám sát chương trình THPT, trọng tâm là chương trình lớp 12, trong đó lưu ý các nội dung kiến thức có liên quan ở lớp 10 và lớp 11.
Giáo viên hướng dẫn học sinh hệ thống hóa kiến thức và cách khai thác, vận dụng kiến thức để làm các dạng bài tập từ dễ đến khó, không học tủ, học lệch; vận dụng để hoàn thành bài thi hiệu quả. Cô giáo Đào Thị Minh Hường, giáo viên Hóa học, Trường THPT Hiệp Hòa số 1 cho biết: “Ngoài bám sát kiến thức sách giáo khoa, tôi còn giao cho các em khá, giỏi làm nhiều dạng bài tập nâng cao để có thể vượt trội hơn về điểm số, trúng tuyển vào các trường đại học top đầu.
Trong cấu trúc đề thi sẽ có khoảng 50% câu dễ, 50% câu khó dần để phân hóa trình độ học sinh. Giáo viên hướng dẫn các em làm câu nào chắc câu đấy; sử dụng phương pháp loại trừ đáp án trong bài thi trắc nghiệm để tiết kiệm thời gian dành cho các câu hỏi khó.
Sinh viên Thân Trọng An, từng là học sinh lớp 12 A1, Trường THPT Lục Nam đạt điểm khối A1 cao nhất cả nước (29,55 điểm) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã vào được ngôi trường mơ ước là Trường Đại học FPT (cơ sở Đà Nẵng) chia sẻ: Để bài thi đạt điểm cao, tôi không có bí quyết gì ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, cẩn trọng để làm đúng ngay từ các câu dễ, vận dụng kiến thức để suy luận, giải đáp câu khó, sử dụng cả tư duy phán đoán trong việc chọn đáp án.
Nét mới năm nay là bắt buộc thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến; đăng ký xét tuyển đại học sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Những năm trước, các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trước khi thi và có thể thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả.
Đối với khu vực miền núi khó khăn, các trường bám sát hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, giảng dạy, ôn tập chương trình cốt lõi, bảo đảm yêu cầu tối thiểu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, khuyến khích học sinh tự học. Qua thi thử theo cấu trúc đề minh họa, các trường đều có từ 98-99% học sinh đạt yêu cầu. Cuối tháng 5/2022, Sở tiếp tục chỉ đạo các trường thi thử tốt nghiệp THPT lần 2.
Sở GD&ĐT đề ra mục tiêu duy trì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt hơn 95%. Các năm trước, điểm bình quân ở một số môn như Tiếng Anh, Sinh học còn thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Để nâng chất lượng bài thi các môn học này, các trường nhất là trường vùng khó khăn như: THPT Sơn Động số 3, THPT Tứ Sơn (Lục Nam), THPT Lục Ngạn số 4, THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) tăng cường bổ trợ kiến thức môn Tiếng Anh. Một số trường như: THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang), THPT Việt Yên số 1, THPT Lạng Giang số 2 bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy môn Sinh học tại các lớp có đông học sinh lựa chọn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên.
Bên cạnh việc bồi đắp kiến thức, các trường còn chú trọng phổ biến quy chế thi, phương án tuyển sinh đại học, cao đẳng, quan tâm động viên các em chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng.
Bài, ảnh: Minh Thu