Ðón xuân trong bệnh viện dã chiến

Nhiều tình nguyện viên đã đón Tết nơi tuyến đầu - Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây để chung sức cùng thành phố Ðà Nẵng chống dịch.

Sáng mồng 6 Tết (6/2), Lê Khánh Hiệp (20 tuổi, sinh viên trường ĐH Đông Á Đà Nẵng) vẫn đang trong ca trực. Hiệp nói đây là lần đầu tiên đón Tết xa nhà, lại ở một nơi thật đặc biệt - bệnh viện dã chiến. “Đêm giao thừa, mọi người quây quần bên bếp lửa ngoài sân bệnh viện nấu bánh chưng, chuyện trò rất ấm áp…nhưng cũng không nguôi được cảm giác nhớ nhà. Lúc đó em gọi điện về cho bố mẹ ở quê nhà Hà Tĩnh, mẹ òa lên khóc, bố thì rơm rớm nước mắt, động viên em ở lại làm cho tốt công việc, hết Tết về thăm nhà”, Hiệp kể.

Nồi bánh chưng được nấu trong sân bệnh viện dã chiến chiều 29 Tết

Đây là năm thứ hai dược sĩ Phạm Tiến Đạt (Bệnh viện Y học Cổ truyền) đón tết trong bệnh viện. Nhưng lần này đặc biệt là ở nơi bệnh nhân toàn là F0. Theo lời kêu gọi của Sở Y tế, dược sĩ Đạt tình nguyện lên đây hỗ trợ xuyên Tết với công việc chính là cấp phát thuốc cho bệnh nhân, vận chuyển hàng hóa, đồ bảo hộ cho các y bác sĩ… Đạt chia sẻ: “Những ngày qua nhiều cảm xúc lắm, có người còn khóc vì nhớ nhà. Không ở bên gia đình, sum vầy với người thân không buồn sao được. Nhưng chúng tôi đã có một cái Tết thật ý nghĩa và khó quên trong đời”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay bệnh viện thường xuyên thăm hỏi, động viên đội ngũ y tế và các tình nguyện viên trực Tết trong bệnh viện dã chiến. Bệnh viện chuẩn bị rất nhiều bánh, mứt, thực phẩm…để có thêm không khí Tết cho mọi người.

Không cần nghỉ ngơi

Ngày đi làm đầu năm (6/2), dược sĩ Đạt đã có mặt tại Bệnh viện Y học cổ truyền. Anh chỉ kịp chạy về thăm nhà ở Quảng Nam sau khi rời bệnh viện dã chiến một hôm, rồi lại lao vào công việc tại nơi công tác. Anh hài hước, Tết như thế là trọn vẹn rồi, vừa giúp ích cho việc điều trị F0, vừa tranh thủ ghé về nhà được. Vậy nên giờ chẳng cần nghỉ ngơi, sẵn sàng bắt đầu vào công việc.

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Ðà Nẵng nhìn nhận trong thời điểm đoàn viên, sum họp gia đình, nhiều cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên vẫn phải miệt mài thực hiện nhiệm vụ y tế và phòng chống dịch COVID-19. Bà bày tỏ sự cảm phục, tri ân, cám ơn họ vì tấm lòng tận tụy, yêu nghề, hy sinh thầm lặng để cùng Ðà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh.

Hiện Bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây còn điều trị cho hơn 200 bệnh nhân COVID-19. Trong khi những ngày qua số ca nhiễm tại Đà Nẵng vẫn ở mức cao (gần 800 ca/ngày). Cùng với sự trở lại thành phố của người dân sau Tết, chắc chắn tình hình sẽ còn phức tạp. Bệnh viện dã chiến vẫn sẽ cần nhiều nhân lực. Tính đến nay, đã gần 3 tháng Lê Khánh Hiệp bám trụ trong bệnh viện dã chiến với công việc trực chốt, phát cơm, khi bệnh nhân đông thì kiêm luôn lắp giường. Hỏi Hiệp khi nào xin rút lui, Hiệp nói khi nào bệnh viện nói không cần nữa, hoặc khi nhà trường thông báo tới học trực tiếp. “Em chưa có ý định rời bệnh viện dã chiến. Một mùa Tết em sẵn sàng ở lại được, thì những ngày thường có gì đâu mà phải băn khoăn. Em không tiếp xúc với bệnh nhân, không phải cách ly nên nếu có xin nghỉ để đi học, em cũng đợi sát ngày rồi về. Không cần phải “xả xì trét” hay nghỉ bù gì cả”, Hiệp khẳng khái.

THANH TRẦN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/on-xuan-trong-benh-vien-da-chien-post1414360.tpo