'Once upon a time in Hollywood': Hoài niệm điện ảnh Mỹ một thời
Sản phẩm độc đáo của đạo diễn Mỹ lừng danh Quentin Tarantino, Once upon a time in Hollywood, sau hơn 2 năm thực hiện đã ra mắt khán giả vào một mùa phim không hề là high season (mùa cao điểm ra mắt phim) như tháng hè, dịp Giáng sinh nhưng vẫn khiến khán giả ùn ùn đến rạp, suy tư và được giới chuyên môn cho điểm rất cao.
Trước hết, là mạch phim. Phim dài gần 3 giờ, 120 phút đầu nhẩn nha, kiểu như đạo diễn không quan tâm đến chiều dài quá mức thông thường của phim Hollywood. Nhưng rất thú vị. Hình ảnh, chi tiết, lời thoại nào vào phim cũng thú vị hết sức. Mà Tarantino là một trong những đạo diễn kỹ tính nhất: các cảnh quay của ông, đố ai tìm được chiếc xe, bộ quần áo, vật dụng, đạo cụ như radio, hộp quẹt, thuốc lá,… mà không phải của thập niên 1970. Màu sắc của bộ phim cũng đẹp xuất sắc.
Đến diễn xuất thì đỉnh của đỉnh. Leonardo DiCaprio và Brad Pitt là hai vai chính. Tôi suy nghĩ mãi xem ai đóng hay hơn? Khó nói quá! Duyên dáng, hài hước thì Pitt, nhưng sâu, tinh tế từng chút một thì là Leo. Nhiều khán giả thích Pitt khi già thế này hơn là điển trai kiểu "Ông bà Smith". Tới vai phụ như cô bé diễn viên 8 tuổi Al Pacino đóng vai Marvin, chỉ cần ngồi nói huyên thuyên, Mike Moh đóng giống thần thái Lý Tiểu Long vô cùng!
Về âm nhạc, Quentin luôn tự nhận âm nhạc luôn đến trong suy nghĩ của ông trước rồi mới đến câu chuyện và diễn viên. Đây là bộ phim có liều lượng âm nhạc dày đặc hơn bất cứ bộ phim nào trước đó của ông với tập hợp những bản nhạc mà ông yêu thích. Những đoạn đi xe của Pitt, âm nhạc luôn vang lên, nhạc địa phương, jazz, rock,… với những bài hát thịnh hành của thập niên 1970 và những danh ca bất hủ như Bob Seger, Robert Goulet, Jose Feliciano… Xét cho cùng, "Once upon a time in Hollywood" không phải chỉ là câu chuyện về điện ảnh mà còn là câu chuyện về âm nhạc "vang bóng một thời".
Nhưng trên hết, chính là kịch bản của Tarantino. Làm sao gắn kết những chi tiết và nhân vật rời rạc thành câu chuyện (có đến 3-4 tuyến truyện nhỏ thoạt nhìn không liên quan với nhau), mà bộ phim tuy đoạn cuối có xung đột, cao trào nhưng cũng không phải loại "drama" (kịch tính) mà khán giả mong muốn. Kiểu như đạo diễn nói với khán giả thế này: Các anh chị muốn phải "drama" hơn à, đừng mơ, cuộc sống thế này thôi. Nhiều chi tiết mình ngỡ đạo diễn sẽ sắp xếp lẽ ra thế này, thế này, thì không, chả có gì hết!
Khi xem một bộ phim như "Hollywood - Vang bóng một thời" (xin phép cho tôi dịch tên phim như thế, thay vì là "Ngày xửa ngày xưa ở Hollywood"), khán giả đừng hy vọng phim sẽ có một tình yêu thật lãng mạn, hay một vụ án thật thương tâm, thật kinh hoàng. Trong rất nhiều phim của mình, Tarantino từng bị kết án là người "xét lại lịch sử", ông đã viết lại các câu chuyện lịch sử theo kiểu "giá như", "nếu như là"… Ông là vua của việc nghĩ ra cái kết theo cảm tình riêng, dù luôn dựa theo một câu chuyện có thật. Phim lãng mạn, song là cái lãng mạn của một tình bạn "ý tại ngôn ngoại" giữa một diễn viên hết thời và người đóng thế. Phim lãng mạn, vì cho thấy cái thuở "ngày xửa ngày xưa" của điện ảnh Mỹ, thời mà phim cao bồi lên đến cao trào với diễn viên Rick Dalton (Leo đóng) để rồi sau đó thoái trào và là sự xuống dốc của cả một dòng phim, của một diễn viên chuyên đóng vai cao bồi. Đoạn Leo cám cảnh khóc khi nói chuyện với em bé diễn viên 8 tuổi, đoạn anh ta tự vả vào mình khi quên lời thoại, đoạn anh ta đóng xuất thần khi bắt cóc em bé… Đoạn Pitt thoại với cô bé hippy, hay đoạn đánh nhau với Lý Tiểu Long, đoạn cho chó ăn và độc thoại…, nhiều đoạn hay tuyệt. Nên phim tuy rời rạc nhưng đều là sự sắp xếp cố ý của ông đạo diễn phù thủy này!