Ông bà chỉ hỗ trợ, không có nghĩa vụ phải chăm cháu
Việc lựa chọn có chăm cháu hay không là tùy hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, nhưng phải ưu tiên để cha mẹ già được nghỉ ngơi. Ảnh: Internet
“Có nên để ông bà chăm cháu?” là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Lựa chọn cách nào tùy hoàn cảnh, điều kiện, nhưng phải ưu tiên để cha mẹ già được nghỉ ngơi. Bởi cha mẹ hy sinh cho con cái đã đủ, họ không có nhiệm vụ hy sinh cho cháu.
Chỉ hỗ trợ khi cần thiết
Thời trước, khi kinh tế còn khó khăn, gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, thường người già khi hết tuổi lao động được mặc định sẽ giữ cháu giúp con cái đi làm. Nhưng hiện nay, nhiều ông bà nội, ngoại, nhất là những người về hưu sau nhiều năm làm việc vất vả đã nghĩ thoáng hơn. Nhiều người khẳng định rằng, họ chỉ hỗ trợ con cháu khi cần thiết.
Là trưởng phòng của một sở, trước khi về hưu, ông L thẳng thắn nói với các con rằng, một đời ông làm việc vất vả chăm lo cho cả gia đình nên về già, ông muốn sống thư thái, tận hưởng, theo đuổi những thú vui của mình, mong con cái đừng bắt ông phải đưa đón, chăm lo cho cháu. Nói là làm, ngay khi về hưu, ông xây một ngôi nhà nhỏ cách trung tâm thành phố hơn chục cây số. Nhà có vườn rộng, trồng nhiều cây trái nên ông dành phần lớn thời gian trong ngày để chăm sóc cây cảnh, hoa trái vườn nhà.
Dù ban đầu kế hoạch nghỉ ngơi đã vạch ra rõ ràng nhưng năm vừa rồi, sau khi COVID-19 lắng xuống, các con phải đi làm trong khi các cháu vẫn chưa học tập trung, ông L thấy mình có trách nhiệm hỗ trợ con cháu lúc chúng cần nhất. “Trong mấy tháng ấy, cứ buổi sáng là 3 đứa cháu tập trung về. Bà phải đi chợ nấu ăn nên ông phụ trách trông coi và chơi với cháu. Vất vả thì cũng vất vả thật vì các cháu hiếu động, nhà chẳng lúc nào được yên tĩnh, ông bà không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng lúc con cái gặp khó khăn, ông bà còn khỏe mạnh thì phải hỗ trợ để con cái yên tâm làm việc”, ông L chia sẻ. Vài tháng sau, khi dịch bệnh được khống chế, các cháu trở lại trường, ông vui vẻ trở về với nếp sống cũ.
Cũng là chăm cháu, nhưng bà H ở phường 1, TP Tuy Hòa lại hỗ trợ chăm cháu theo kiểu bị động. Bà H chia sẻ: “Sau nhiều mâu thuẫn, con trai và con dâu tôi quyết định chia tay. Con dâu sau đó ra tòa nhường quyền nuôi con lại cho nhà chồng. Đứa cháu gái khi đó mới vài tháng tuổi, vắng sữa mẹ, ban đêm quấy thức không biết bao nhiêu lần. Hai vợ chồng tôi đều ngoài 70 tuổi, tưởng được yên rồi thì phải quay ra chăm cháu từ sữa đến tã như nuôi con mọn. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chúng tôi đâu có lựa chọn nào khác. Cũng may, cháu càng lớn càng ngoan, thương ông bà và rất lễ phép. Đó cũng coi như niềm an ủi tuổi già”.
Không vì thế mà ỷ lại
Với nhiều gia đình, việc để ông bà hỗ trợ chăm cháu được xem là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, không vì thế mà các gia đình trẻ ỷ lại hết vào ông bà. Vì ngoài những người có hoàn cảnh quá khó khăn, không còn lựa chọn nào khác phải nhờ ông bà hỗ trợ thì vẫn còn những bậc làm cha mẹ lấy lý do bận rộn với công việc, nghiễm nhiên đẩy hết trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con cái cho nội, ngoại.
Gia đình khá giả, không quen làm lụng vất vả nên khi lấy chồng sinh con, mọi việc trong gia đình V (TP Tuy Hòa) đều nhờ ông bà nội giúp đỡ. Thông thường, bà L (mẹ chồng V) sẽ chuẩn bị đồ ăn sáng để vợ chồng V ăn đi làm. Đến chiều, V về, ăn uống xong thì đưa con lên lầu, chơi với con rồi cho con ngủ. Thấy có ông bà nội rảnh nên hai vợ chồng V sau đó đăng ký học lớp tiếng Anh buổi tối nên 9-10 giờ đêm mới về nhà. Bà L ở nhà tất bật chợ búa, cơm nước và chăm cháu trai từ khi 6 tháng cho đến nay đã 4 tuổi. Hôm bà L bệnh, V xin phép mẹ chồng mang con về ngoại cho bà ngoại chăm và ở hẳn bên đó 10 ngày cho đến khi bà nội khỏe lại mới về.
Tâm sự về nỗi vất vả khi chăm cháu, bà L cho biết: “Ban đầu, tôi cũng định chăm cháu một thời gian cho đến tuổi đi nhà trẻ nhưng sau đó dịch COVID-19 bùng phát. Đến khi dịch được khống chế thì tôi vẫn cho cháu ở nhà vì sợ cháu còn bé, lại chưa tiêm vắc xin. Mới đây, cháu đã đến trường nhưng vì chưa quen môi trường mới nên cháu bệnh mãi, học ít, nghỉ nhiều. Người làm ông bà như chúng tôi nhiều lúc thấy kiệt sức mà không than một lời vì biết có nói ra con trai con dâu cũng đổ là bận bịu công việc”.
Không đồng tình với việc đổ hết trách nhiệm chăm cháu cho ông bà, vợ chồng anh K, chị H (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) luôn cố gắng thu xếp hết mức để ông bà được nghỉ ngơi. Chị H chia sẻ: “Sinh con và nuôi con là trách nhiệm của cha mẹ nên khi mới sinh con, tôi nghỉ làm ở xưởng hạt điều dù kinh tế gia đình lúc đó chỉ đủ đắp đổi. Khi con lớn lên một chút, tôi chọn làm việc bán thời gian, làm thời vụ để vừa phụ giúp kinh tế vừa để có thời gian chăm con cho chồng yên tâm làm việc. Tôi ở rất gần cả nhà nội, nhà ngoại, nhưng chỉ trong trường hợp đột xuất, không sắp xếp được thời gian thì mới nhờ đến ông bà”.
Theo bà Phạm Thị Yên, Phó Trưởng ban Gia đình xã hội - Kinh tế Hội LHPN tỉnh, trong cuộc sống hiện nay vẫn có nhiều ông bà chủ động mong muốn chăm cháu (vì thương con, thương cháu), nhưng nếu con cái không nhờ thì tốt nhất không nên cố. Và nếu con cái mong muốn ông bà chăm cháu nhưng ông bà không đủ sức khỏe, muốn được nghỉ ngơi thì vợ chồng trẻ cũng nên tôn trọng quyết định của người già. Việc lựa chọn có chăm cháu hay không là tùy hoàn cảnh, điều kiện của mỗi gia đình, nhưng phải ưu tiên để cha mẹ già được nghỉ ngơi.
Vợ chồng trẻ phải thấy được rằng ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc cháu. Ba mẹ mới là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con cái.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/81/281081/ong-ba-chi-ho-tro-khong-co-nghia-vu-phai-cham-chau.html