Ông Biden cảnh báo hậu quả nếu Trung Quốc giúp Nga ở Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 110 phút điện đàm để thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không trợ giúp Nga trong chiến dịch ở Ukraine.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng, cả hai nước có trách nhiệm phải đảm bảo hòa bình và "xung đột, đối đầu không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai". Phát biểu dường như cho thấy người đứng đầu Trung Quốc không muốn xung đột leo thang.
Tuy nhiên, sau khi cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ kết thúc tối 18/3 (giờ Việt Nam), Nhà Trắng cho biết những lo ngại của họ về khả năng can thiệp của Trung Quốc vẫn chưa được xoa dịu.
"Chúng tôi có mối quan ngại đó. Tổng thống (Biden) đã nêu chi tiết những tác động và hậu quả sẽ như thế nào nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga khi nước này tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố Ukraine. Đó là điều chúng tôi và thế giới sẽ theo dõi", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Dù không công bố các hậu quả có thể là gì và Mỹ định nghĩa "trợ giúp vật chất" ra sao nhưng bà Psaki ám chỉ dòng chảy thương mại khổng lồ của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng. Trước câu hỏi của phóng viên về việc liệu Trung Quốc, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, có phải đối mặt với đòn giáng thuế hoặc các biện pháp trừng phạt khác nếu hỗ trợ Nga hay không, bà Psaki nói "trừng phạt chắc chắn là một công cụ".
Các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ mô tả cuộc điện đàm mới giữa ông Biden và ông Tập là "thẳng thắn", "thực chất" và "cụ thể". Song, họ không cung cấp thêm nhiều chi tiết về cuộc đối thoại kéo dài này. Một quan chức tiết lộ, phần lớn cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine và những tác động của cuộc khủng hoảng đối với quan hệ Mỹ - Trung và "trật tự quốc tế".
Theo CNN, một mục tiêu của ông Biden khi trao đổi trực tiếp với ông Tập là xác định rõ ràng quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc về xung đột Nga - Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ tổng thống Mỹ đã đạt được mục tiêu này hay chưa.
Nhà Trắng nói, ông Biden không đưa ra bất kỳ yêu cầu cụ thể nào đối với ông Tập, thay vào đó chọn đưa ra một cái nhìn rộng hơn về tình hình quốc tế, đồng thời "nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng".
“Trung Quốc phải tự quyết định xem họ muốn đứng ở đâu và họ muốn được sử sách nhìn nhận về họ như thế nào cũng như đánh giá các hành động của họ ra sao. Đó là quyết định của Chủ tịch Tập", bà Psaki lưu ý.
Theo yêu cầu của ông Biden, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục hội đàm trong những ngày tới. Ông Biden cũng có kế hoạch thảo luận với các nhà lãnh đạo phương Tây khác tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào tuần tới ở Brussels, Bỉ, về vai trò của Trung Quốc, theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Trong khi đó, Reuters trích dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay, ông Tập đã nói với ông Biden rằng, cuộc chiến ở Ukraine cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt. Ông Tập cũng kêu gọi các các nước NATO tổ chức đối thoại với Nga. Người đứng đầu Bắc Kinh tin, "các ưu tiên hàng đầu hiện giờ là tiếp tục đối thoại và đàm phán, tránh các thương vong cho dân thường, ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo và ngưng bắn".
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập cũng phản đối việc áp các biện pháp trừng phạt, với lí do chúng sẽ chỉ khiến người dân đau khổ, "có thể gây ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nền kinh tế toàn cầu và các chuỗi thương mại, tài chính, năng lượng, thực phẩm, công nghiệp và cung ứng, làm tê liệt nền kinh tế thế giới vốn đã suy yếu cũng như gây ra những tổn thất không thể cứu vãn".