Ông Biden có thể đối phó với Trung Quốc hiệu quả hơn ông Trump?
Các chuyên gia nhận định ông Joe Biden dễ đoán và 'ngoại giao' hơn ông Donald Trump. Nhưng cách thức tổng thống đắc cử Mỹ sử dụng để đối phó với Trung Quốc có thể hiệu quả hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Bắc Kinh là đối thủ kinh tế và chính trị lớn nhất của Washington. CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định điều này sẽ không thay đổi đáng kể dưới thời ông Joe Biden, và cựu phó tổng thống Mỹ không khó đoán như người tiền nhiệm.
Các chuyên gia kinh tế và thương mại dự đoán xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại và công nghệ sẽ ngày càng gay gắt. "Cuộc đua có thể gia tăng theo nhiều cách", nhà phân tích Alex Capri tại Đại học Quốc gia Singapore khẳng định.
Dù đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết những xung đột chính, bao gồm cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp công nghệ Mỹ và tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh.
Tiếp tục cứng rắn
Washington cũng ngày càng cảnh giác với công nghệ do Trung Quốc sản xuất do lo ngại nguy cơ gián điệp. Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất của nước này. Các nghị sĩ hai đảng đều ủng hộ lệnh cấm vận Huawei và việc siết chặt kiểm soát doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên sàn Mỹ.
Dịch Covid-19 càng làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai cường quốc. "Ông Biden dường như đã có một hướng đi khá rõ ràng. Cả hai đảng đều ủng hộ đường lối cứng rắn", ông William Reinsch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.
Theo ông, khả năng cao Thượng viện Mỹ nằm trong tay đảng Cộng hòa. "Tổng thống đắc cử sẽ phải chịu áp lực lớn từ phe 'diều hâu' (các quan chức có tư tưởng chống Trung Quốc) thuộc đảng Cộng hòa, buộc ông phải quyết liệt hơn", ông Reinsch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chắc chắn là phong cách của ông Biden sẽ không giống Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng từng tuyên bố Mỹ không thể "tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng hiếp đất nước chúng ta", và gọi Covid-19 là "virus Trung Quốc". "Giọng điệu của ông Biden sẽ khác. Nó mang tính ngoại giao hơn nhiều", chuyên gia Capri của Heinrich Foundation bình luận.
Theo chuyên gia này, chính quyền mới sẽ theo đuổi những cách thức lâu đời trước khi giáng đòn thuế hay trừng phạt Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng hàng nghìn công ty Mỹ đã kiện chính phủ vì áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Những đòn thuế này gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ. "Thành thật mà nói, Bộ Thương mại dưới thời ông Trump chỉ có hỗn loạn", ông Capri bình luận.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 9/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định Trung Quốc đã chú ý đến việc ông Biden tuyên bố đắc cử. "Trung Quốc và Mỹ nên tăng cường giao tiếp và đối thoại", ông nhấn mạnh.
"Trung Quốc sẽ thích ông Trump hơn"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói về mong muốn mở rộng việc thúc đẩy mối quan hệ "lành mạnh và ổn định" giữa hai nước. Theo ông Ian Bremmer, Chủ tịch hãng tư vấn Eurasia Group, các quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc đang không rõ liệu ông Biden có dễ đàm phán hơn Tổng thống Trump hay không.
"Các nhà ngoại giao Trung Quốc có lẽ sẽ thích ông Trump hơn. Bởi chính quyền của ông làm suy yếu mối quan hệ giữa Mỹ và những đồng minh truyền thống, từ đó giúp Trung Quốc hưởng lợi", ông Bremmer nói.
Hồi tháng trước, các nhà phân tích tại JP Morgan dự báo chiến thắng của ông Biden sẽ khiến cuộc chiến mạng 5G, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học của hai nước ngày càng gay gắt.
"Để tranh giành vị thế thống trị trong những lĩnh vực này, Mỹ và Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho việc phân ly, giảm hợp tác, hạn chế chia sẻ công nghệ, thậm chí đóng cửa thương mại ở một số trường hợp", nhóm chuyên gia của JP Morgan nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Capri, Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự rạn nứt lớn hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. "Nếu bạn là Trung Quốc, bạn không thể làm gì khác. Trên thực tế, bạn phải ngày càng nỗ lực", ông bình luận.
Một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh là chính quyền ông Biden có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc xây dựng một liên minh quốc tế với mục đích là thách thức Trung Quốc về trợ cấp nhà nước, quyền đối với các công ty nước ngoài và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và EU trở nên căng thẳng dưới thời ông Trump vì những tranh cãi về thương mại. "Việc các nước phát triển mất chỗ đứng chung trong những năm gần đây phần lớn do chính phủ Mỹ có khuynh hướng đi một mình", ông Louis Kuijs, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế Châu Á tại Oxford Economics, nhận xét.