Ông Biden hay Trump có thể sẵn sàng kiềm chế tham vọng bá chủ công nghệ của Trung Quốc bằng mọi giá
Bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới ra sao, nhà lãnh đạo được ở lại (ông Biden) hay quay về Nhà Trắng (ông Trump) dường như sẵn sàng mạo hiểm với mọi loại thiệt hại khi để Mỹ cố gắng kiềm chế tham vọng bá chủ công nghệ của Trung Quốc.
Trang Bloomberg đưa tin các dấu hiệu về một giai đoạn mới tồi tệ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đã xuất hiện hôm 17.7 sau khi có thông tin chính quyền Biden đã sẵn sàng đưa Trung Quốc vào thế “khó thở” bằng cách thực hiện "các hạn chế thương mại nghiêm khắc nhất" hiện có.
Cụ thể hơn, các hạn chế sẽ nhắm vào các công ty nằm ngoài nước Mỹ, chẳng hạn ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản) - hai hãng cung cấp thiết bị sản xuất chip chuyên dụng có giá trị cao cho ngành công nghiệp chip mà Trung Quốc đang chạy đua để phát triển.
Giá cổ phiếu của ASML, một trong số ít công ty trên thế giới có khả năng chế tạo máy in thạch bản cần thiết để sản xuất hàng loạt chip quan trọng với các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), đã giảm hơn 10% hôm 17.7 dù kết quả kinh doanh quý 2/2024 cao hơn ước tính.
Dù không bán máy in thạch bản công nghệ cao cho Trung Quốc nhưng ASML cung cấp rất nhiều sản phẩm khác cho các công ty ở quốc gia châu Á này. Gần một nửa doanh thu quý 2/2024 của ASML, khoảng 2,3 tỉ euro (tương đương khoảng 2,5 tỉ USD), đến từ Trung Quốc. Do đó, vẫn chưa rõ liệu các biện pháp mới theo kế hoạch của Tổng thống Joe Biden sẽ gây thêm thiệt hại cho Trung Quốc hay ASML hay không.
Trong ngắn hạn, những hạn chế mới đồng nghĩa các công ty Trung Quốc mua thiết bị sản xuất chip từ ASML sẽ cần tìm giải pháp thay thế. Điều này có thể khó khăn trong thị trường mà chỉ có một số ít công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Động thái này từ Mỹ cũng đồng nghĩa ASML mất đi một lượng lớn khách hàng mà họ cẩn thận không bán thiết bị in thạch bản cao cấp. Tất nhiên, đây là phần công nghệ của ASML mà Mỹ không muốn Trung Quốc tiếp cận.
Có một vấn đề khác ở đây, những hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ không thay đổi được thực tế là Trung Quốc đang cố gắng loại bỏ công nghệ phương Tây kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu ban đầu có hiệu lực, khi nước này đang tìm cách xây dựng một nền kinh tế tự lực.
Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Hà Lan lúc bấy giờ là Mark Rutte: “Người dân Trung Quốc cũng có quyền phát triển hợp pháp. Không thế lực nào có thể ngăn cản tốc độ phát triển và tiến bộ khoa học - công nghệ của Trung Quốc”.
Đây không chỉ là lời nói suông của ông Tập Cận Bình. Giới công nghệ vào năm ngoái xôn xao khi gã khổng lồ Huawei phát hành smartphone Mate 60 Pro với chipset Kirin 900s tiên tiến được SMIC sản xuất tại Trung Quốc. SMIC là nhà sản xuất chip số 1 Trung Quốc.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump từng chia sẻ tầm nhìn về thiệt hại tài sản không mong muốn về các thỏa thuận tiềm năng giữa ông với Trung Quốc, bằng cách đề xuất trong tuần này rằng Đài Loan nên tự chi trả cho việc phòng thủ chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc vì "nó không cho Mỹ gì cả".
Những bình luận của ông Trump về Đài Loan và việc tăng thuế đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu các hãng công nghệ lớn hôm 17.7 ở Phố Wall.
Vấn đề là thế này, đang có ý định đưa ra chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" cùng ứng viên Phó tổng thống Mỹ của mình là thượng nghị sĩ JD Vance nhưng ông Trump dường như không nhận ra Đài Loan đang đóng một vai trò to lớn trong việc giúp Mỹ xây dựng trụ cột quan trọng trong tương lai là AI.
Đài Loan là quê hương của TSMC, hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, được những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Apple và Nvidia tin tưởng để tạo ra những chip thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp AI và cả thị trường chứng khoán Mỹ.
Với vốn hóa thị trường đã vượt qua 1.000 tỉ USD trong tháng này, TSMC đã báo cáo doanh thu quý 2/2024 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức hơn 20 tỉ USD và đang xây dựng một số nhà máy chip tiên tiến ở bang Arizona (Mỹ).
Nếu có vấn đề gì xảy ra với Đài Loan tại một thời điểm nào đó thì sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip chuyên dụng trong nước.
Điều đó đặt Tổng thống Mỹ tiếp theo vào tình thế khó khăn. Kiềm chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ phương Tây là điều quan trọng nếu Mỹ nghiêm túc về việc duy trì vị thế lãnh đạo công nghệ của mình. Song, Mỹ cần tìm cách đảm bảo cho các công ty của mình và sự nỗ lực phát triển của họ không bị ảnh hưởng trong quá trình kiềm chế đó.