Ông Biden: 'Không có lý do không gọi ông Tập', nhưng chưa vội
Từ khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đã điện đàm với nhiều lãnh đạo các nước lớn, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa điện đàm với ông Tập Cận Bình.
Mỹ và Trung Quốc đang tìm kiếm một cơ hội thích hợp cho Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức hôm 20-1.
Tuy nhiên cả hai bên đều không đặt hy vọng quá cao về cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ hoặc nếu điều này diễn ra nó sẽ báo trước một sự thay đổi chóng vánh, theo tờ South China Morning Post.
“Không có lý do gì không gọi” ông Tập
Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, Tổng thống Joe Biden nói rằng ông và ông Tập “chưa có cơ hội để nói chuyện với nhau” nhưng cho biết “không có lý do gì để không gọi” ông ấy.
Ông Biden còn nói cách tiếp cận của ông sẽ khác so với người tiền nhiệm Donald Trump và cho hay ông Tập biết rõ điều đó vì ông ấy cũng đang “gửi một số tín hiệu”.
“Chúng ta không cần phải có xung đột nhưng chúng ta sẽ có sự cạnh tranh gay gắt. Tôi không làm theo cách của ông Trump từng làm và tôi sẽ tập trung vào các quy tắc quốc tế” - ông Biden nói.
Đồng thời, ông Biden nói ông biết “khá rõ” ông Tập sau tám năm trên cương vị phó Tổng thống dưới chính quyền Tổng thống Barack Obama.
“Tôi có lẽ là người làm việc nhiều với ông Tập hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào trên thế giới” - ông Biden cho biết.
Theo một nguồn tin từ phía Trung Quốc, hai bên ban đầu đều coi Tết Nguyên đán là dịp để sớm phá băng mối quan hệ nhưng cơ hội này đã dần trở nên mờ nhạt.
Các nhà quan sát Trung Quốc cho biết các cuộc thảo luận về việc thiết lập một cuộc điện đàm dường như khó khăn hơn dự đoán ban đầu, phản ánh khoảng cách lớn đang khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng xa nhau.
Chuyên gia Ding Yifan, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Hôi đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết bài phỏng vấn của ông Biden “đã gửi đi một tín hiệu không ngoan và hợp lý rằng Mỹ muốn tránh cuộc chiến tranh nóng với Trung Quốc trong khi cạnh tranh trên các mặt trận công nghệ và thương mại sẽ tiếp tục".
Kể từ khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Biden đã có các cuộc điện đàm với hầu hết các nhà lãnh đạo ở các cường quốc, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Đối thủ cạnh tranh đáng gờm”
Cuộc điện đàm ngày 6-2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đặt ra những kỳ vọng cũng như “mối quan tâm cốt lõi” trong quan hệ hai nước.
Thông thường, cuộc điện đàm này là bước đệm cho cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ.
Tuy vậy, cuộc điện đàm này đã phản ánh sự khác biệt giữa hai nước còn khá lớn.
Ngoại trưởng Blinken nói Mỹ “sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và các giá trị dân chủ” và “buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những nỗ lực đe dọa sự ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Trong khi đó ông Dương Khiết Trì nói rằng vấn đề Đài Loan là "quan trọng và nhạy cảm nhất" đối với Trung Quốc và Washington không nên can thiệp vào các vấn đề đối nội của Bắc Kinh ở Tây Tạng, Tân Cương và Hong Kong.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên vào tuần trước, ông Biden đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” đối với Mỹ và cam kết “đối đầu với các hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động gây hấn, cưỡng ép và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu".
Trước đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 25/1, ông Tập đã thừa nhận hai cường quốc có sự cạnh tranh nhưng nói rằng tương tác giữa hai bên nên là một cuộc cạnh tranh công bằng thay vì một cuộc chiến nhằm loại bỏ bên còn lại.
Ngoài ra, hôm 8-2, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng một bài bình luận cho rằng hai bên cần thiết có một cuộc đối thoại “cứng rắn và mang tính xây dựng” để hiểu hơn về ý định chiến lược và xây dựng lại lòng tin. Bài bình luận còn lưu ý hai bên nên “hợp nhất những nỗ lực không phải để làm rung chuyển thế giới mà là xây dựng thế giới”.