'Ông Biển Đông' kể chuyện về chủ quyền cho học sinh vùng cao Bắc Giang
Buổi Hội thảo giúp các em nhận thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc....
Ngày 27/11, Hội thảo: “Tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông” đã thu hút sự lắng nghe của gần 1.000 em học sinh 2 trường Trung học cơ sở Thanh Sơn và Trung học phổ thông Sơn Đông 3 (Huyện Sơn Động, Bắc Giang).
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 là diễn giả chính của buổi hội thảo.
Dù là ngôi trường non trẻ với 15 năm thành lập, nhiều năm qua trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 từng bước vượt lên khó khăn để khẳng định chất lượng giáo dục.
Nhiều năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể cán bộ giáo viên đều thực hiện công tác giảng dạy, học tập với quyết tâm “khó khăn gấp đôi thì nỗ lực gấp ba” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Vừa duy trì kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng dạy và học, vừa tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.
Cùng với chủ đề năm học 2020 – 2021: “Kỷ cương - nền nếp; chủ động - sáng tạo; chất lượng - hiệu quả”, buổi Hội thảo cũng là sự kiện quan trọng của thầy và trò 2 nhà trường khi lần đầu tiên các em được trực tiếp lắng nghe một chuyên gia đầu ngành chia sẻ về các vấn đề liên quan đến Biển Đông.
Đặc biệt, với học sinh tại Sơn Động, một huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, việc cách xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện tiếp cận với thông tin mới còn nhiều hạn chế, đây là một dịp tốt để thầy và trò 2 nhà trường có thể trực tiếp tiếp nhận những kiến thức bổ ích.
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ của buổi Hội thảo: “Chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông", Tiến sĩ Trần Công Trục đã cung cấp nhiều thông tin quý báu liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục lưu ý: “Điều đơn giản nhất tôi muốn nói với các em học sinh và thầy cô đó là tên gọi của Biển Đông. Người Việt Nam gọi là Biển Đông.
Đây là tên riêng do Việt Nam dùng để gọi vùng biển này và tên gọi này đã đi vào tiềm thức, tâm khảm của người dân Việt Nam từ bao đời nay: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn. Thuận bè thuận bạn, tát cạn Biển Đông” (Ca dao Việt Nam), “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội; Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi” (Bình Ngô Đại Cáo - Nguyễn Trãi).
Tên Biển Đông là tên riêng nên trong các tài liệu, hồ sơ, văn bản chính thức của Việt Nam đều viết hoa cả hai từ Biển Đông và trong các tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì thường viết là Bien Dong Sea (tiếng Anh) hay Mer de Bien Dong (tiếng Pháp).
Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn thấy trong một số văn bản, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài đã dịch tên Biển Đông là East Sea (tiếng Anh) hay Mer de l’Est (tiếng Pháp).
Cách dịch này không phù hợp với văn bản chính thức của Nhà nước khi đăng ký với tổ chức quốc tế và có thể gây nhầm lẫn với vùng biển nằm ở phía Đông bán đảo Triều Tiên cũng được gọi là East Sea”.
Song song với những bài học, câu chuyện gần gũi, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ những tài liệu, khái niệm pháp lý chuyên ngành, Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 cũng như những căn cứ pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Diễn giả Trần Công Trục nhấn mạnh: Có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...
Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ các vấn đề về Biển Đông tới sinh viên Hải Phòng
Chuyên gia Trần Công Trục thông tin về các đảo ven bờ của quốc gia, có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.
Từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên các vùng biển.
Liên hệ với một số sự kiện nóng trên Biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục khuyên học sinh: Cần yêu nước bằng cái đầu lạnh và trái tim nóng.
“Ông Biển Đông” tâm sự: “Người Việt Nam chúng ta rất yêu nước và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng yêu nước bằng trái tim nóng thôi thì chưa đủ mà cần phải có một cái đầu lạnh.
Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin và tin giả cho nên các em cần biết cách chọn lọc thông tin. Hãy tìm hiểu và nắm vững luật pháp quốc tế để mỗi em sẽ trở thành một tuyên truyền viên”.
Cuối buổi hội thảo, thầy giáo Nguyễn Đình Linh, Bí thư chi Bộ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Sơn Động số 3 đã thay mặt thầy trò 2 nhà trường gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe tới Tiến sĩ Trần Công Trục, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo có ý nghĩa cho học sinh 2 nhà trường.
Thông qua buổi hội thảo, thầy và trò 2 trường đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích liên quan đến vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Những kiến thức quý báu này sẽ là hành trang để các em học sinh trở thành những tuyên truyền viên, góp một phần vào công tác bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Buổi Hội thảo đã giúp các em nhận thức đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.