Ông Binh Văn
Ông bà Binh Văn không có tấm hình nào. Chỉ có một tấm hình liệt sĩ Sởn đội mũ đeo sao lồng trong khung kính tươi cười nhìn hai đứa chúng tôi.
Thuở anh Văn đang thì sức trai vâm váp, làm không biết mệt, ăn chẳng biết no, cày thuê cuốc mướn một năm đủ mười hai tháng vẫn không nuôi nổi mẹ già ngày hai bữa cơm rau. Lúc đó trên thế giới đang xảy ra cuộc đại chiến lần thứ nhất.
Nhân có giấy về làng mộ lính, anh và hai người bạn cùng xóm rủ nhau lên tỉnh đầu quân. Cũng là đường cùng cả thôi, liều để kiếm miếng ăn cứu cả nhà khỏi chết đói. Nói là lính thợ, nhưng khi các anh được biên chế vào quân ngũ rồi, liền bị đẩy xuống tàu há mồm chạy tuốt sang tận châu Phi đánh nhau giữ đất thuộc địa cho mẫu quốc Pháp.
Mấy năm sau, hai người kia về làng bằng hai tấm giấy báo tử kèm hai tấm mề đay tri ân của nhà nước đại Pháp. Còn anh Văn may mắn vác được tấm thân thiếu một ngón tay về với mẹ cùng một tấm mề đay đồng hạng với hai bạn đồng ngũ xấu số kia.
Nhưng cái anh được thiết thực nhất sau cuộc phiêu lưu liều lĩnh ấy là trong túi có được mấy tờ giấy bạc Đông Dương, trên mình khoác chiếc áo padesus dạ màu cứt ngựa, dưới chân mang đôi giày săng đá có thể đá văng răng con chó nào dại dột xông ra sủa nhặng xị mỗi tối anh lộp cộp trên đường làng ve gái.
Còn cái lệ tên anh được kèm theo một tiếng Binh, Binh Văn anh coi là chuyện vặt. Dù vậy, thay đổi ấy đã nâng anh dân cày cùng đinh Binh Văn lên hàng danh giá nhiều người mơ tưởng. Mấy tờ giấy bạc Đông Dương anh mua được mẫu ruộng tư điền. Có ruộng sâu trâu nái rồi, anh dễ dàng lấy được một cô vợ ngon lành đẹp người đẹp nết nhất nhì làng.
Ấy là hình ảnh một anh Binh Văn của thời quá khứ chưa xa tôi nghe kể vậy. Còn một ông Binh Văn thuở tôi tuổi chín mười hằng ngày mục sở thị thì đã tàn tạ lắm rồi. Ngày vài bận ông thường lộp cộp đôi giày săng đá qua ngõ nhà tôi. Nhưng không phải cái đôi ông mang về từ thời thế chiến thứ nhất, đôi này những hàng đinh sắt gắn dưới đế da trâu còn chắc nguyên. Nó chính là chiến lợi phẩm ông lột từ chân một thằng Tây bị du kích ta bắn chết trong một trận càn chúng thua chạy té re bỏ xác đồng đội lại. Bây giờ thi thoảng ngồi lần giở những trang ký ức đã mấy phần mờ nhạt, tôi vẫn thấy nổi lên rõ ràng hình ảnh ông Binh Văn tứ thời bát tiết khoác trên người mỗi một cái áo dạ màu cứt ngựa mang từ châu Phi về hai ba mươi năm trước. Nhưng nó chỉ còn là cái khung thôi, hai thân trước cùng thân sau tấm áo từ đầu gối tới vai toàn những miếng vải đủ loại, đủ mọi hình thù vá khíu vào nhau dúm dó đủ màu nom kỳ khôi chẳng khác áo thằng bù nhìn giữ dưa giữa đồng. Nhưng chẳng hiểu sao hàng nút bằng đồng tròn như nửa trái chanh con vàng chóe dập nổi hình chiếc mỏ neo vẫn y nguyên tại vị và không chút xỉn mờ. Ban ngày là áo khoác, đêm đến là chăn, có lẽ nó chẳng bao giờ được giặt giũ cho nên đứng gần ông luôn có mùi hôi khăn khẳn kinh niên bốc ra gây choáng váng cho những lỗ mũi người nhạy cảm. Ngoại sáu mươi rồi mà sức vóc ông ít trai tráng nào địch nổi. Vốn ông có một cơ thể lực lưỡng lại được lồng thêm tấm áo khoác rách rưới to sù sụ, lại thêm cái đầu húi cua tua tủa những chân tóc muối tiêu, hai má cùng đôi mắt luôn đỏ hồng nhờ rượu nên trông ông có dáng bệ vệ và dễ sợ của ông tượng hộ pháp đứng canh cổng chùa. Mãn lính đã vài ba thập kỷ nhưng ông vẫn nghiêm chỉnh giữ kỷ cương của mấy năm binh ngũ, vẫn cứng nhắc trong từng hành vi, cử chỉ, dù tuổi tác đã cao nhưng hễ đi là phải thẳng đầu, thẳng gối và đôi giày săng đá cứ phải cồm cộp gõ đều xuống mặt đường đất nện. Không có tiếng kêu bộp bộp ông cho là không có khí thế quân nhân. Khi nói chuyện, ông hay pha vào mấy tiếng Tây bồi “bôồng, bôồng” hoặc “xà lù, cu sôông” nghe có vẻ dữ tợn vậy, nhưng tuyệt nhiên chả thấy ông quát nạt ai bao giờ.
Vậy mà bọn trẻ chúng tôi thoáng thấy bóng ông là đứa nào cũng im thin thít đứng núp vào khóe cổng. Còn những người lớn gặp ông thì miệng ai cũng chào hỏi thân tình nhưng tuyệt nhiên chẳng ai dám niềm nở mời ông vào nhà xơi nước. Ông biết vậy nên giữ ý chẳng bao giờ tự tiện đến nhà ai, ngoài quán rượu bà Thâu ở ngay đầu xóm. Ngày nào ông cũng phải sương sương vài cữ rượu. Mới tợp vào bụng vài chén nhỏ như mắt trâu ông đã say nhè. Có lẽ ông cần say để quên bớt nỗi cô đơn. Cô đơn thân phận chẳng có ai là anh em ruột thịt. Cô đơn phần số hiếm muộn già nua rồi mới có độc một mụn con. Láng giềng không gần gũi với ông chẳng phải họ ghét bỏ gì ông mà nguyên do là họ sợ. Sợ những hồn ma bé bỏng họ vẫn đinh ninh chúng luôn lởn vởn quẩn quanh ông mỗi ngày một thêm đông đúc. Cái quan niệm u mê vô căn cứ ấy xuất phát từ việc làm phải nói là vô cùng từ tâm phúc đức mà ông đã ra tay giúp họ không một đồng công xá. Đó là cái công việc chẳng ai dám làm, việc chuyên âm thầm một mình chôn cất những đứa trẻ hữu sinh vô dưỡng. Đứa vừa lọt lòng đã chết. Đứa vài tháng, thậm chí có đứa đã ở với mẹ cha được vài ba tuổi cũng lăn ra chết. Ngày ấy trẻ con chết non là chuyện xảy ra như cơm bữa. Không ít các cặp vợ chồng trẻ vô phúc đã phải nhờ đến tay ông, chịu ơn ông trong những lúc tột cùng đau đớn trao cho ông đứa con rứt ruột của mình chỉ còn là cái xác tí teo héo rũ. Suốt một thời thơ ấu, tôi đã nhiều lần đứng trong cánh cổng khép hờ, hé mắt sợ hãi trông theo bóng ông hòa lẫn bóng chiều xám ngoét thê lương qua cổng. Đến tận giờ tôi còn nhớ như in lần nào bất đắc dĩ phải làm công việc ấy, không bao giờ ông đi giày săng đá. Có lẽ ông ý tứ sợ tiếng lộp cộp làm khuấy động giấc chiêm bao của một sinh linh tội nghiệp đang bay về cõi tiên đồng. Và có lẽ chẳng có nơi đâu có những đám đưa ma chỉ có hai người lặng lẽ như ở quê tôi ngày ấy. Một duy nhất lần nào cũng tham dự là ông Binh Văn với mái đầu cúi thấp, một tay cắp bó chiếu trong đó gói tròn một đứa sơ sinh xấu số, tay kia cầm chiếc mai đào đất, chân cùn cụt bước đi, hai tà áo khoác rách rưới lất phất bay theo làn gió heo may lạnh buốt thổi từ phía cổng đồng lúc nào cũng um um một vòng cung tối sáng nhập nhòa. Đi trước ông là người bố hay người ông đứa hài nhi bạc mệnh, tay bưng bát cơm cắm quả trứng luộc, tay giơ cao bó đuốc cháy bập bùng. Hai người lặng lẽ từ từ mất hút phía sau cổng làng rồi chập chờn đi như trôi ra xa mãi ngoài đê sông Cái, nơi có một gò hoang mọc đầy dứa dại nghe nói từ xưa đã là chỗ vùi lấp biết bao những thiên thần bé bỏng mới một vài ngày ghé tạm cõi này.
Ngày xưa trải qua mấy năm trận mạc xứ người vì một nước đại Pháp xa xôi, ông không chết. Vậy mà ông lại bị chết thảm khốc trước mũi súng của mấy thằng lính Tây mới tức tưởi làm sao. Ấy là một ngày trong cái năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp đang trên đà thắng lợi, làng tôi bị bọn giặc Tây đồn Xanh mở một trận càn vô cùng ác liệt. Năm ấy tôi mới chừng tám chín tuổi, bị coi là trẻ nít nên trận càn ác ấy bà tôi lôi ra đình ngồi chung với nhiều thằng trẻ con khác cùng với mẹ chúng, chị chúng, toàn những người làng. Lúc ấy vào khoảng giữa trưa, trời đang nắng gắt. Một bọn mấy thằng Tây đen, Tây trắng ập vào đình sì sồ lôi mấy người phụ nữ ra sân định giở trò dã man hãm hiếp. Chẳng biết tự đâu ông Binh Văn chạy xổ ra chặn trước bọn chúng, một bàn tay ông chìa tấm mề đay đã xỉn màu, miệng không ngớt kêu la tiếng Tây bồi: “Tăng sông… nồng… nồng” lẫn tiếng ta rối rít: “Chúng mày không được, không được làm nhục chị em chúng tao!”. Từ phía bọn Tây, một tiếng nổ vang lên chát chúa, tôi thấy ông ngã đổ ập xuống mặt sân rồi mà bọn giặc còn bồi thêm một tràng tiểu liên nữa vào thân xác ông. Tấm áo dạ xưa ông được mẫu quốc ban tặng giờ bay tung tóe những mụn vải mủn rách theo tràng đạn do chính những tên lính mẫu quốc siết cò. Ông nằm bất động rồi, tấm mề đay nước đại Pháp tưởng thưởng ông trơ tráo nằm giữa lòng bàn tay lật ngửa đỏ lòe những máu khẽ run run giật giật thêm một lúc lâu. Và hàng nút đồng trên áo ông dưới nắng trưa hè vọt ra từng chùm tia giận dữ chọc vào mắt quân xâm lược. Chắc là nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng la thét nên một mũi truy kích của bộ đội ta kịp thời tấn công vào đình. Bọn giặc hốt hoảng tháo chạy. Danh dự của chị em được bảo toàn nhưng ông Binh Văn của chúng tôi đã bị giặc man rợ sát hại dã man rồi.
Năm ấy thằng Sởn, đứa con độc nhất của ông mới đâu tám, chín tuổi. Cùng tuổi với tôi và thằng Sót con ông Sểnh nhà đầu xóm. Thằng bạn tôi có tên Sót là do sự thể một lần nó đã chết, chết thật rồi sống lại. Có lẽ đấy là một cơ duyên màu nhiệm rất hi hữu đã xảy ra trên cõi đời này. Nghe kể khi nó còn đỏ hỏn chừng tháng tuổi thì bị sài đẹn bụng cứ to phềnh ra rồi chết như những đứa hữu sinh vô dưỡng khác trong làng. Việc chôn cất nó lại phải nhờ đến ông Binh Văn. Thằng bé đã được bó gọn gàng trong tấm chiếu rồi. Ông thầy phù thủy cũng đã tàn ba tuần hương cúng vái rồi. Chỉ còn đến lượt ông Binh Văn cắp bó chiếu cùng xách cây mai lên đường nữa là xong việc. Nhưng bỗng dưng trời đổ trận mưa rào tầm tã. Đành để tạm bó chiếu nằm đầu hè chờ vậy. Mưa gần ngớt hạt thì bất ngờ từ trong bó chiếu vẳng ra tiếng khóc oe oe. Ông thầy phù thủy run rẩy hô lên quỷ nhập tràng rồi luống cuống hai tay ấn quyết. Ông Binh Văn tức tốc đứng lên miệng chửi một thôi tiếng Tây lẫn với tiếng ta:
- Xà lù cu sôông, nhập tràng cái con khẹc. Bố Sểnh ơi! Phúc đức nhà mày, thằng nhỏ sống lại rồi.
Đồng thời ông nhanh tay cởi lạt bế đứa bé lên. Từ đấy nó mới có tên là Sót. Và cũng lạ kỳ, từ bữa ấy Sót ta cứ một gióng lớn lên như thổi, hết sạch mọi sài đẹn cùng bao bệnh khác. Ba đứa chúng tôi may mắn cùng sống sót qua thời kháng chiến chín năm. Hòa bình cùng đi học cấp hai rồi cấp ba. Chưa hết cấp ba do thời cuộc yêu cầu, chúng tôi cùng xung phong tòng quân vào Nam đánh giặc. Thằng Sởn diện con một, lại có mẹ già nên được ưu tiên ở lại hậu phương, nhưng nó nhất quyết trích máu viết đơn tình nguyện ra chiến trường trả thù cho cha. Được chấp thuận. Thế là ba chúng tôi vui như sáo hồn nhiên Nam tiến. Gian khổ chiến tranh tôi không muốn kể ra đây. Chỉ xin thêm vào đoạn cuối, ngày Tổ quốc thống nhất chỉ có tôi và thằng Sót về làng. Còn thằng Sởn đã hy sinh ngay trận đầu tiên khi đơn vị chúng tôi đụng độ với bọn giặc Nam Hàn. Về làng sau chiến tranh, chúng tôi mới biết mẹ nó, bà Binh Văn cũng bị chết thảm trong một trận bom bi Mỹ rải từ Bến đò Xanh chạy xéo qua làng.
Chỉ kịp ném chiếc ba lô vào nhà, chào hỏi bố mẹ đang mừng rơi nước mắt, thằng Sót và tôi đã gọi nhau cùng chạy sang nhà thằng Sởn. Vẫn là ba gian tường đất lợp rạ, hai mái tươi nguyên màu rạ mới, chứng tỏ ở nhà bà con vẫn thường xuyên chăm nom hương khói. Nhưng mà lạnh lẽo quá vì chẳng có hơi người. Chúng tôi đẩy cửa bước vào, thằng Sởn ôm lấy tôi bật khóc như đứa trẻ. Tôi cũng không cầm được nước mắt khi đứng trước ban thờ đơn sơ trên đó bày ba bát nhang: Một thờ ông Binh Văn, một thờ bà Binh Văn và một thờ thằng Sởn. Ông bà Binh Văn không có tấm hình nào. Chỉ có một tấm hình liệt sĩ Sởn đội mũ đeo sao lồng trong khung kính tươi cười nhìn hai đứa chúng tôi. Nụ cười hồn nhiên của ngày nhập ngũ năm nào.
Đau đớn quá ông bà Binh Văn ơi! Đau đớn quá Sởn ơi! Kết cục một gia đình hiền lành lương thiện, thân thương đáng kính của làng tôi nay chẳng còn gì.
Từ buổi trưa hôm đó, Sót quyết định xin giải ngũ về nhà, cũng không thoát ly đi đâu cả. Sót sang căn nhà cũ của ông bà Binh Văn ở để tự nguyện thừa tự chăm sóc khói hương giỗ chạp ông bà cùng thằng bạn đồng tuế đồng ngũ thân thiết của chúng tôi. Nó nói với mọi người: “Tôi còn thằng là Sót trên đời này là nhờ đôi bàn tay cởi nút lạt của ông Binh Văn.
Sống, tôi thờ phụng ông bà, chết, các con tôi thay tôi nhang khói. Đời đời tôi và con cháu tôi là hậu duệ của ông bà. Tôi chính là anh Sởn vậy”. Đến nay nó đã sinh cho ông bà Binh Văn mấy đứa cháu rồi. Bà Binh Văn đã được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Rất mừng là ba gian nhà của ông bà chưa bao giờ hương tàn khói lạnh.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ong-binh-van-a175241.html