Ðồng bộ các giải pháp

Ðể đạt được số thu ngân sách nhà nước (NSNN) cao và bảo đảm tính bền vững, cần nhìn nhận sâu sắc, rõ ràng hơn về cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu NSNN.

Trong điều kiện hội nhập, nhiều khoản thuế đã được điều chỉnh giảm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số thu. Bên cạnh đó, nhiều nguồn thu không mang tính tái tạo (điển hình như số thu từ đất) sẽ dần cạn kiệt, và dẫn chứng rõ ràng nhất là trong những tháng đầu năm, nguồn thu từ đất của TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đều giảm. Ðiều đó cho thấy, nếu "cái nền" của nguồn thu là hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) không phát triển tương ứng và vượt mục tiêu đề ra, thì số thu NSNN cũng chưa thể khẳng định được tính bền vững do vẫn dựa vào nguồn thu không tái tạo và số nợ thuế.

Báo cáo công tác quản lý thu và chống thất thu NSNN, chống chuyển giá của Bộ Tài chính mới đây cho thấy, trong khi thực thi các giải pháp tài chính - NSNN, bên cạnh việc thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, còn phải giải quyết được vấn đề tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Là cơ quan chịu trách nhiệm thu ngân sách, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp từ trung ương đến địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Ðối với công tác thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống thất thu, đến thời điểm hiện tại, ngành tài chính đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, rà soát các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế. Theo đó, việc thanh tra, kiểm tra tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro, ngành nghề kinh doanh mới, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhiều năm liên tục có dấu hiệu chuyển giá, các hồ sơ hoàn thuế lớn. Tổng số kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm 2018, trong đó riêng giảm lỗ gần 14 tỷ đồng. Trong hoạt động này, ngoài sự đẩy mạnh phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn của cơ quan tài chính, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kịp thời hơn nữa với các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư, công an...

Trong các giải pháp đề ra từ nay đến hết năm, Bộ Tài chính tiếp tục chú trọng thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn nhập khẩu thường xuyên, kết hợp với việc đánh giá tính tuân thủ của doanh nghiệp. Cơ quan hải quan sẽ thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục quản lý rủi ro về giá (định kỳ và đột xuất); sửa đổi, bổ sung mặt hàng, mức giá tham chiếu làm cơ sở so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo, xác định dấu hiệu nghi vấn để thực hiện tham vấn trong quá trình làm thủ tục hải quan, đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan. Việc tăng cường quản lý tại các cảng biển, sân bay, cửa khẩu, kho bãi sẽ tiếp tục bảo đảm yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa ở các khâu, song song với tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Rõ ràng, việc phối hợp đồng bộ thực hiện các giải pháp nghiệp vụ thu ngân sách với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mới có thể giúp tăng số thu NSNN bền vững, bảo đảm tiến độ và mục tiêu đề ra.

Mỹ Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41099402-%C3%B0ong-bo-cac-giai-phap.html