Ông cha ta đánh giặc: Cây sắn trên chiến trường Tây Nguyên

Mùa hè năm 1969, trên chiến trường Tây Nguyên, sau các đợt chiến đấu liên tục, lượng lương thực dự trữ cạn dần, có thời điểm chỉ đủ nuôi bộ đội trong khoảng một tuần, trong khi nguồn tiếp tế từ miền Bắc gặp nhiều khó khăn do địch đánh phá tuyến 559. Từ đầu tháng 6 đến hết tháng 10-1969, Bộ tư lệnh 559 chỉ giao được cho chiến trường Tây Nguyên 20,4 tấn gạo.

Để giúp chiến trường vượt qua khó khăn, thử thách, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Khu ủy Khu 5 yêu cầu các đơn vị tích cực tăng gia sản xuất, tạo nguồn hậu cần tại chỗ, bảo đảm chiến trường vững vàng trước mọi tình huống. Sau khi nghiên cứu, nhận thấy cây sắn (củ mì) dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết Tây Nguyên; củ sắn có thể luộc, hấp, đồ xôi, làm bánh; lá sắn có thể nấu canh, làm nộm, muối dưa... vì thế, mặt trận Tây Nguyên quy định trong những kế hoạch bảo đảm lương thực của mặt trận và các đơn vị, mỗi chiến sĩ phải trồng 500 gốc sắn. Thực hiện chủ trương này, sắn được trồng trên khắp Tây Nguyên. Ở đâu, chỗ nào cũng thấy cây sắn và câu chuyện về sắn. Sắn mọc trên nương, trên rẫy; sắn trồng xen với chiến hào, sắn theo bộ đội hành quân ra mặt trận.

 Sắn là một trong những cây lương thực ăn củ cho năng suất cao. Ảnh minh họa

Sắn là một trong những cây lương thực ăn củ cho năng suất cao. Ảnh minh họa

Theo thống kê, trên chiến trường Tây Nguyên có hơn 20 triệu gốc sắn với những nương sắn, kho sắn của Sư đoàn 1. Đoàn Plei Me có diện tích trồng tập trung lên tới 1.500ha, bình quân mỗi người năm 1969 là 1.000 gốc, năm 1970 lên đến 1.200 gốc. Khi khối chủ lực của mặt trận Tây Nguyên được lệnh hành quân từ vùng núi Đắk Tô về Đức Lập, đến khu vực Cầu Lây (Gia Lai), toàn đội hình dừng lại ăn sắn thay cơm. Sau đó, mỗi chiến sĩ được phát từ 10 đến 20 chiếc bánh sắn cùng lá sắn non làm thức ăn dọc đường.

Chủ trương của mặt trận Tây Nguyên là bộ đội đi đến đâu phải trồng sắn đến đó, cho dù ngày mai đơn vị hành quân thì hôm nay cũng phải trồng sắn để phục vụ người sau, đơn vị đến sau. Trên chiến trường Trị-Thiên, do mưa lũ kéo dài nên địa hình bị chia cắt. Khi nước rút, địch lại rải chất độc hóa học nên những cây lương thực còn sót lại cũng bị hủy diệt, dẫn đến đói kém nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng này, Bộ tư lệnh Quân khu Trị-Thiên chỉ đạo bộ đội về các thôn, xã dựa vào dân để sản xuất, tổ chức trồng ngô, khoai, sắn... tạo nguồn lương thực tại chỗ phục vụ chiến đấu. Tại Hướng Hóa, tính đến tháng 10-1968, quân và dân đã trồng hơn 3 triệu gốc sắn. Những nương sắn cùng ngô, khoai trên chiến trường Tây Nguyên là nguồn lương thực tại chỗ quý báu, đáp ứng nhu cầu “ăn no đánh thắng” của bộ đội. Đây cũng là nguồn lương thực dự trữ để các đơn vị chủ lực trở về khôi phục thế trận trên 3 vùng chiến lược.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cây sắn Tây Nguyên chính là biểu hiện sinh động của hậu cần nhân dân. Ngày nay đất nước phát triển, Quân đội tiến lên hiện đại, điều kiện bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm lo đầy đủ nhưng bài học về cây sắn Tây Nguyên luôn giàu ý nghĩa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHÙNG VIỆT ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ong-cha-ta-danh-giac-cay-san-tren-chien-truong-tay-nguyen-752049