Ông cha ta đánh giặc: Em hy sinh, anh vào thay vị trí chiến đấu
Trưa 27-10-1967, Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 (sau này Tiểu đoàn 42 thuộc Trung đoàn 263, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân) nhận lệnh vào cấp 1 và tổ chức đánh hai trận, phóng 4 quả đạn tên lửa, tiêu diệt một chiếc máy bay A-4 của địch.
Đơn vị chưa kịp chúc mừng chiến công thì tốp F105 từ hướng Tây Bắc lao xuống ném hàng loạt bom vào trận địa của Đại đội 7-đơn vị pháo cao xạ 37mm bảo vệ trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 42, ở Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) gây tổn thất lớn cho đại đội. 8 đồng chí hy sinh ngay trên mâm pháo, trong đó có pháo thủ Lê Viết Dũng, quê ở xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội).
Sau khi giặc Mỹ ngừng ném bom, loa phát thanh của xã Thụy Phương thông báo địch đánh vào Văn Điển và nhiều trận địa khác. Như có linh tính, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của pháo thủ Lê Viết Dũng) liền khăn gói xuống Văn Điển "để xem thằng Dũng và các anh em chiến đấu như thế nào”. Đầu giờ chiều, đơn vị cùng dân quân đang đưa thương binh lên xe để đến bệnh viện cấp cứu, các quân nhân hy sinh được đưa vào trụ sở UBND xã thì bà Loan đến đơn vị. Đồng chí Chính trị viên Đại đội 7 cầm tay bà Loan, nghẹn ngào thưa: “Mẹ ơi, Dũng và một số đồng chí đã hy sinh rồi!”. Bà Nguyễn Thị Loan lặng đi một lát, rồi nói: “Mẹ hiểu rồi! Các con cứ chờ mẹ”. Sau đó bà Loan quay về...
18 giờ chiều hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang chuẩn bị khí tài để cơ động thì thấy mẹ Loan cùng một thanh niên đến đơn vị. Bà gặp chỉ huy đại đội và nói dứt khoát: “Thưa các đồng chí, đây là Lê Viết Hùng, anh ruột của Lê Viết Dũng. Trưa nay, Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Các đồng chí báo cáo lên trên là mẹ cho anh nó vào thay vị trí của Dũng để tiếp tục chiến đấu đến khi thắng giặc Mỹ hoàn toàn, không phụ sự hy sinh của em Dũng và các đồng đội đã ngã xuống...”.
Lê Viết Hùng đã vào thay em trai chiến đấu, đến cuối năm 1975 thì trở về quê hương với nhiều vết thương trên người. Năm 2012, ông Lê Viết Hùng về nơi chín suối...
SƠN BÌNH (ghi theo lời kể của Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, nguyên sĩ quan điều khiển, Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361)