Ðồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An trong thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì?
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Kinh nghiệm của tỉnh Nghệ An trong thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì?
Ðồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu: Là địa bàn chịu nhiều thiên tai, bão lũ, hạn hán nhưng thời gian qua, Ðảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo ngành nông nghiệp cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi tăng nhanh, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng vào lĩnh vực nông nghiệp; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Cả bốn chỉ tiêu tổng hợp thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng nông thôn mới; độ che phủ rừng; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 2020 đạt 4,96% (kế hoạch từ 4 đến 5%). Toàn tỉnh có 281 trong số 411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,37%, cao hơn bình quân cả nước (58,2%). Có sáu xã thuộc huyện nghèo 30a và hai xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; có sáu đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 841 thôn, bản thuộc các xã miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiệm kỳ qua, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp như TH, Vinamilk, Masan, Nafoods Group... Ðổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, nhất là khu vực miền tây Nghệ An...
Một số bài học kinh nghiệm, rút ra qua công tác chỉ đạo, điều hành là: quá trình triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải gắn liền với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải là giải pháp quan trọng cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Từng địa phương có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp điều kiện, đặc điểm cụ thể. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư một cách đồng bộ, đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực cho phát triển sản xuất. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải gắn liền với phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn...
PV: Trong điều kiện nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước nhiều thách thức của quá trình hội nhập, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, theo đồng chí cần những giải pháp gì?
Ðồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu: Cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ là yếu tố quyết định thành công trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu của ngành để tích hợp vào quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2030. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất từ các khâu giống, quy trình công nghệ, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức thực hiện tốt cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với sản xuất vùng nguyên liệu, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.