Ông chủ Jollibee vào tốp 5 người giàu nhất Philippines
Tham vọng trở thành 1 trong 5 chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất toàn cầu, Jollibee Group của tỷ phú Tony Tan Caktiong đặt mục tiêu mở mới hàng trăm cửa hàng trong năm 2023.
Tỉ phú Tony Tan Caktiong vào tốp 5 người giàu nhất Philippines (Ảnh: Bloomberg)
Tỷ phú Tony Tan Caktiong (Tony Tan) - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh Jollibee Foods (Jollibee) - đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục để quay trở lại vị trí thứ 5 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất Philippines của tạp chí danh tiếng Forbes.
3 năm trước, tài sản ròng của ông Tony Tan giảm xuống mức 1,9 tỉ USD do tác động của đại dịch đến 'đế chế' kinh doanh của nhà sáng lập chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn nhất Philippines. Nhưng hiện tại, tài sản của ông Tony đã tăng lên mức 3,2 tỉ USD.
Sau khi mở mới kỷ lục 542 cửa hàng vào năm 2022, Jollibee muốn rót thêm 19 tỉ peso (342 triệu USD) để mở tới 600 cửa hàng trong năm 2023 nhằm mục tiêu đạt được 7.000 địa điểm trên toàn cầu. Công ty có trụ sở tại Manila đẩy mạnh hoạt động mở rộng mạng lưới khi doanh thu năm 2022 tăng trưởng mạnh lên tới 40%, lợi nhuận ròng năm 2022 tăng 26% - tương đương 7,6 tỉ peso, trong bối cảnh các nhà hàng bắt đầu quay trở lại hoạt động hậu đại dịch.
Mặc dù lợi nhuận ròng trong quý đầu tiên của năm 2023 giảm 3,2% xuống còn 2,2 tỉ peso, ông Ernesto Tanmantiong, Giám đốc điều hành của Jollibee tỏ ra lạc quan trong cuộc họp báo hàng quý vào tháng 5: “Chúng tôi vẫn tập trung vào việc vượt qua khó khăn và tự tin vào khả năng có được một năm tăng trưởng mạnh mẽ nữa".
Trong năm 2023, hãng thức ăn nhanh dự định mở mới 600 cửa hàng trên toàn thế giới (Ảnh: Forbes)
Trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng 5, Brenda Gannaban, nhà phân tích tại RCBC Securities ở Manila, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng Jollibee sẽ duy trì và phát triển doanh thu của mình nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn và tiếp tục mở thêm các cửa hàng, đồng thời thu lại lợi nhuận nhờ giảm chi phí sản xuất và hàng hóa”. Công ty dự kiến lợi nhuận ròng của Jollibee sẽ tăng khoảng 8% lên 8,2 tỉ peso trong năm nay và tăng lên mức kỷ lục 10,9 tỉ peso vào năm 2024.
Sau nhiều năm phát triển và khẳng định vị thế ở Philippines, Jollibee đã khởi động một chiến dịch M&A trên toàn cầu để đạt được mục tiêu trở thành 1 trong 5 chuỗi thức ăn nhanh hàng đầu thế giới. Năm 2018, hãng đã chi 210 triệu USD để mua Smashburger có trụ sở tại Denver và mua lại Coffee Bean & Tea Leaf có trụ sở tại California với giá 330 triệu USD trong năm 2019. Hiện tại, công ty sở hữu 16 thương hiệu, bao gồm thương hiệu dim sum Tim Ho Wan của Hồng Kông và chuỗi trà sữa trân châu Milksha của Đài Loan.
Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật trong hành trình vươn ra toàn cầu của Jollibee.
Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2005, đến nay hãng thức ăn nhanh đã phát triển với 150 cửa hàng trên toàn quốc. Năm 2012, Jollibee Group mua lại 50% SuperFoods Group, doanh nghiệp sở hữu và vận hành Highlands Coffee và Phở 24, với giá trị thương vụ khoảng 25 triệu USD.
Năm 2017, Jollibee Group mua thêm 10% SuperFoods, nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%.
Cuối năm 2022, Reuters đưa tin tập đoàn Phillipines dự định bán 10% - 15% chuỗi cà phê Highlands với mức định giá 800 triệu USD. Năm ngoái, Highlands Coffee đóng góp 3% tổng doanh thu tập đoàn, tương ứng, doanh thu mà chuỗi cà phê Việt Nam đạt được khoảng 3.700 tỉ đồng.
Đầu năm nay, thương hiệu Phở 24 được Jollibee Group bán cho East- West Restaurants Concepts. Đồng thời, Jollibee cũng cho biết sẽ chấm dứt thỏa thuận nhượng quyền Phở 24 tại Phillipines.
Jollibee ra đời vào năm 1975 khi ông Tan và gia đình mở một cửa hàng kem ở thành phố Quezon, ngoại ô Manila. Cửa hàng đã thêm bánh mì và các món khác vào thực đơn của mình, cuối cùng phát triển thành nhà hàng Jollibee đầu tiên vào năm 1978.
Tan đã chuyển hướng sang các lĩnh vực kinh doanh mới trong những năm gần đây.
Ông đồng sở hữu nhà phát triển bất động sản DoubleDragon Properties với Edgar Sia II (thứ 39), người đã bán chuỗi nhà hàng gà nướng của mình cho Jollibee bảy năm trước.
Vào năm 2021, cả hai đã thành lập CentralHub Industrial Centers, công ty hiện đang tạo dựng một danh mục các nhà kho (bao gồm một số tài sản của Jollibee). Số tài sản này sẽ được quản lý bởi một quỹ tín thác đầu tư bất động sản và được niêm yết trên thị trường chứng khoán Philippines./.
Nguồn tham khảo: Forbes