Ông chủ 'siêu' DN 500 nghìn tỷ, ảo mà pháp luật không làm gì được
Hơn 1 năm nay, một số công ty đăng ký vốn điều lệ với mức vốn 'siêu khủng' làm rúng động dư luận vì 'tiền đâu nhiều thế'. Sau những bất ngờ ban đầu, nhiều người đều đã nhận ra chân tướng của các 'siêu doanh nghiệp ảo' này.
Vì sao thấy vô lý mà cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp? Đó là câu hỏi của nhiều người khi nghe câu chuyện đăng ký vốn điều lệ của những “ông chủ” này.
Thực tế, để đi đến việc các “ông chủ” doanh nghiệp được tự đăng ký và chịu trách nhiệm với vốn điều lệ này là cả một hành trình thay đổi của pháp luật theo hướng “mở”, thể hiện sự tiến bộ của cơ quan quản lý trong việc ứng xử với doanh nghiệp, rút ngắn thời gian khai sinh doanh nghiệp.
Trước đây, Nhà nước phải xác minh doanh nghiệp có đủ số tiền đăng ký hay không mới cho thành lập. Đây là việc làm “quá sức” của cơ quan công quyền, tốn thêm thời gian cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Luật doanh nghiệp 2014 đã khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai thông tin về vốn điều lệ khi làm hồ sơ đăng ký DN.
Pháp luật hiện nay không có quy định bắt buộc về mức vốn tối thiểu hoặc tối đa, ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về mức vốn tối thiểu. Chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản phải có vốn điều lệ không được thấp hơn 20 tỷ đồng, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ là phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng...
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Một trong những ý nghĩa lớn nhất của vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp hay sở hữu cổ phần của thành viên, cổ đông trong công ty. Thông qua đó, làm cơ sở cho việc phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các thành viên, cổ đông trong công ty.
Như vậy, người dân có thể đăng ký vốn công ty là 1 triệu đồng hay 500 nghìn tỷ đồng vì tỷ lệ này không bị khống chế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cơ quan nhà nước không giám sát việc góp vốn.
Thành viên, cổ đông phải thanh toán phần vốn góp, số cổ phần cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết/đăng ký mua khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn 90 ngày mà thành viên, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết góp/đăng ký mua, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị thực góp.
Ngoài ra, Công ty sẽ bị xử phạt khi đến hạn góp vốn mà không góp đủ vốn. Cụ thể, theo khoản 3 điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư quy định như sau: "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
Đây là lý do những doanh nghiệp 144 nghìn tỷ, hay hơn 500 nghìn tỷ này, vẫn được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nhưng nếu không góp đủ vốn thì sẽ bị phạt và điều chỉnh lại vốn góp theo số thực tế như đã nói ở trên.
Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã thay đổi bản chất của vốn điều lệ trở thành vốn thực góp, hạn chế phần nào phát sinh vốn “ảo”.
Mặt khác, với việc áp dụng công nghệ thông tin, việc doanh nghiệp kê khai vốn bất thường như trên sẽ nhanh chóng bị phát hiện và giám sát. Bằng chứng là ngay khi doanh nghiệp hơn 500 nghìn tỷ được cấp giấy chứng nhận, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng phát đi những văn bản cảnh báo để cộng đồng, cơ quan chức năng giám sát ngay từ đầu hoạt động của các công ty này sau khi được cấp giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, mức phạt 10-15 triệu đồng cho một hành vi là khá nhẹ, không có tính răn đe với những người có ý định đưa pháp luật ra làm “trò đùa”. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất các tình trạng kể trên, cần tăng chế tài xử phạt ở từng mức độ để đảm bảo tính tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Sau cùng, người dân, doanh nghiệp cũng cần tăng ý thức trách nhiệm của mình trong việc đăng ký doanh nghiệp. Pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu hay tối đa khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp đăng ký mức vốn quá thấp sẽ không tạo được niềm tin với đối tác trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn nếu đăng ký vốn quá cao so với tiềm lực của mình thì vô hình chung tự tạo áp lực trong quá trình góp vốn, thậm chí sẽ bị phạt khi không góp đủ.
Như vậy, bản thân từng chủ doanh nghiệp cũng phải có ý thức trách nhiệm khi đi “khai sinh cho đứa con tinh thần” của mình, để không tạo thêm gánh nặng không cần thiết, tốn thời gian của cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp khác.