Ông chủ trẻ của doanh nghiệp văn hóa

Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, công việc lý tưởng giới trẻ hướng tới là gì? Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, chế tạo... Nguyễn Đức Lộc-chàng thanh niên 9X lại ngược dòng thời gian, đam mê lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho người 'có tuổi'.

Đó là nghiên cứu trang phục cổ của các triều đại trong lịch sử dân tộc và quảng bá rộng rãi, đưa chúng đến gần với đời sống xã hội hiện đại trong và ngoài nước, để người Việt Nam, nhất là giới trẻ thấy được nét đẹp văn hóa dân tộc và biết tự hào, gìn giữ, phát huy nó.

 Nguyễn Đức Lộc.

Nguyễn Đức Lộc.

Là giám đốc một công ty, trẻ trung, tóc nhuộm "xanh đỏ". Ngoại hình Nguyễn Đức Lộc giống chuẩn của một anh chàng hiện đại sành điệu, có phần “ăn chơi”. Ấy thế mà trò chuyện cả buổi, câu chuyện của chàng thanh niên Hà Nội này chẳng có gì ngoài cổ phục, văn hóa, lịch sử. Lộc còn đùa, nếu ai yêu anh chắc điều kiện đầu tiên là có thể cả ngày ngồi nghe anh thao thao bất tuyệt về chủ đề này.

Lộc nói: “Nhiều người ngạc nhiên, nghi ngại khi người trẻ như tôi lại dám theo đuổi lĩnh vực khó này nhưng chị có tin không, mọi thứ với tôi đều bắt đầu từ một chữ duyên rồi như nghiệp của mình”. Khi Lộc hỏi tôi có tin không? Tôi vừa tin cũng vừa không tin. Tin là bởi đúng là có nhiều cái duyên, liên quan đến nhau để Lộc dần đến với cổ phục. Nhưng tôi tin chỉ duyên thôi không đủ. Đó còn là cả quá trình trau dồi, nghiên cứu một cách nghiêm túc về lịch sử văn hóa dân tộc mà Lộc đã làm nhiều năm.

 Phượng Bào, đầu đội Phượng Quan là Triều Phục của Hoàng hậu Triều Nguyễn (phỏng dựng dựa trên hiện vật gốc). Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Phượng Bào, đầu đội Phượng Quan là Triều Phục của Hoàng hậu Triều Nguyễn (phỏng dựng dựa trên hiện vật gốc). Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Gần 10 năm trước, làn sóng cổ phong bắt đầu được một bộ phận giới trẻ yêu thích và quan tâm cùng sự ra đời của nhiều nhóm như: Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong, Thiên nam lịch đại hậu phi... với nhiều hoạt động tích cực tìm hiểu nét đẹp, tinh hoa văn hóa, lịch sử dân tộc và gìn giữ, phát triển nó trong hiện tại. Nguyễn Đức Lộc cũng là một thành viên tham gia. Khi đó Lộc đang là chân quay phim của một đài truyền hình.

Ngày nhỏ, Lộc cũng thích các môn xã hội, đặc biệt là lịch sử, mơ ước sau này thành một nhà khảo cổ học nhưng thi đại học không đỗ, Lộc lại học quay phim truyền hình. Sau này vẫn giữ niềm yêu thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử nên Lộc thường tham gia các hội, nhóm liên quan, giao lưu với những người cùng sở thích. Rồi những gặp gỡ, những vô tình, cũng như hữu ý cứ khiến cho Lộc tiếp xúc nhiều với những bộ trang phục cổ. Càng tìm hiểu lại càng thấy nhiều điều hay, nét đẹp, tinh hoa cha ông trong những trang phục các triều đại lịch sử mà ít người quan tâm. Có lẽ đây mới là điều mình thật sự yêu thích. Lộc nghĩ vậy và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn, rồi nhận ra cổ phục chính là đam mê trong đời. Bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc để chuẩn bị cho việc sẽ đưa những trang phục các triều đại lịch sử trở lại, gần với người Việt hơn, xa hơn là đưa ra thế giới... bắt đầu từ triều đại gần nhất-triều Nguyễn.

 Trang Phục Nhật Bình là lễ phục của các Phi Tần triều Nguyễn. (Phỏng dựng dựa trên hiện vật gốc). Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Trang Phục Nhật Bình là lễ phục của các Phi Tần triều Nguyễn. (Phỏng dựng dựa trên hiện vật gốc). Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Có nhiều người đã từng nói rằng: Đừng khuyên giới trẻ theo đuổi đam mê nữa. Khi chưa đủ kiến thức, đó là lời khuyên khiến người trẻ dễ thất bại. Với Nguyễn Đức Lộc, nếu thực sự đam mê điều gì bạn sẽ chẳng ngại để theo đuổi nó. Lộc đã bắt đầu bằng việc nghỉ công việc quay phim để tập trung tích lũy vốn kiến thức. Anh nghĩ: Muốn làm tốt việc gì mình phải có kiến thức tốt về nó. Nhất là làm văn hóa càng phải nghiêm túc. Đọc sách, học từ sách vở, tìm gặp các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, đi đến các làng nghề dệt vải tìm hiểu cách làm, tìm đến những nghệ nhân thêu, làm mũ, nón, giày hài... khắp nơi trên cả nước. Nhiều người trong đó đã trở thành cố vấn, cộng sự của anh trong công việc sau này. Trong đó Lộc may mắn tôi tìm được mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ - một kho di sản sống từng làm gối xếp cho cung đình triều Nguyễn.

Khi được mệ Trí Huệ đồng ý giúp, Lộc đưa thêm người nhà từ Hà Nội vào nhà mệ ở Huế "ăn dầm ở dề" nhiều ngày để được mệ chỉ dạy cách làm gối xếp thủ công. Sản phẩm đầu tiên Lộc làm chính là gối xếp này.

Lộc bắt đầu hợp tác làm việc với nhiều đơn vị cá nhân trong lĩnh vực văn hóa. Nhưng rồi Lộc nghĩ. Người ta hay nói cổ phong chỉ là phong trào tự phát, nay lên mai xuống. Anh nghĩ phải làm cho việc mình làm, con đường mình đi tự giác, bằng việc thành lập công ty có tư cách pháp lý hẳn hoi. Đầu năm 2018, Lộc thành lập công ty Ỷ Vân Hiên. Những khó khăn của một startup cũng bắt đầu bủa vây quanh Lộc. Đó là thiếu vốn, thiếu nhân sự, máy móc, thiếu kiến thức quản trị kinh doanh... mâu thuẫn thường xuyên, cổ đông bỏ đi, chuyển trụ sở công ty liên tục... Khó hơn cả là tư liệu nghiên cứu thiếu thốn. Khó khăn đầu tiên là xác định được con đường mình đi: Đặt lợi nhuận hay văn hóa lên trước?! "Tôi quyết định đặt các giá trị văn hóa lên trước tiên nhưng tôi làm doanh nghiệp không thể bỏ qua vấn đề kinh doanh, lợi nhuận", Lộc nói.

 Gối xếp được làm dựa trên quy chuẩn mẫu gối thời Nguyễn do mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ làm. Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Gối xếp được làm dựa trên quy chuẩn mẫu gối thời Nguyễn do mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ làm. Ảnh: Ỷ VÂN HIÊN.

Đó là quyết định liều lĩnh khi đi vào thị trường ngách của ngách. Sản phẩm công ty Lộc làm có hàm lượng văn hóa cao nên đầu tư rất nhiều tâm huyết từ nghiên cứu mẫu, chọn đặt vải, thêu, phụ kiện... Có sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần, chi phí rất tốn kém... Nhưng nghĩ lại nếu ngày đó Lộc không liều thì sẽ không có Ỷ Vân Hiên hôm nay. Sau 2 năm thành lập với nỗ lực khôi phục lại những nét văn hóa cổ truyền đã bị mai một của dân tộc, Ỷ Vân Hiên đã trở thành cái tên quen thuộc với những người yêu văn hóa cổ.

Hiện Ỷ Vân Hiên tiến hành nghiên cứu chuyên sâu vào các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (Văn học, âm nhạc, kiến trúc, hội họa, điêu khắc), trang phục, ẩm thực và các nghi lễ truyền thống trong cung đình và dân gian nhằm thương mại hóa, giúp cho những nét đẹp đó đến được với công chúng trong và ngoài nước qua các dịch vụ như: Bán trang phục theo yêu cầu của cá nhân tổ chức; cung cấp trang phục phục vụ các lễ hội truyền thống; tổ chức sự kiện văn hóa; tái hiện các sản phẩm qua các loại hình nghệ thuật như sân khấu, phim ảnh, âm nhạc... Ỷ Vân Hiên là đơn vị cung cấp, tài trợ, đầu tư phục trang cho nhiều sự kiện, chương trình ví dụ như cung cấp phục trang cho vở diễn "Huyền thoại gò Rồng Ấp" nói về vua Lý Công Uẩn; đầu tư dàn trang phục hoành tráng cho phim cổ trang Phượng Khấu; MV ca nhạc cho các ca sĩ... Với "Phượng Khấu", Nguyễn Đức Lộc được Tạp chí Thời trang Harper Bazar trao giải Thiết kế trang phục trong phim xuất sắc năm 2019.

Một thành viên của Ỷ Vân Hiên là studio chụp ảnh Ỷ Vân Các cũng vừa ra đời là nơi đến cho những người thích không gian chụp ảnh cổ trang. Lộc cũng chuẩn bị để cho ra đời dòng sản phẩm giá bình dân để tiếp cận được với đông đảo người yêu thích cổ phục hơn.

Nguyễn Đức Lộc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cổ phục các triều đại Lê, Lý, Trần. Dù biết lịch sử càng xa tư liệu càng ít, việc nghiên cứu sẽ càng khó khăn hơn nhưng như lời Nguyễn Đức Lộc nói: "Chúng tôi tin rằng hiểu được quá khứ mới hiểu được hiện tại và xa hơn là sẽ tìm thấy hướng đi ở tương lai." Tin rằng anh sẽ thành công với con đường mình đang đi!

DƯƠNG THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ong-chu-tre-cua-doanh-nghiep-van-hoa-617584