'Ông chủ trẻ' thành công với mô hình kinh doanh kết hợp trồng cây ăn quả chất lượng cao

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm cơ ngơi của 'ông chủ trẻ' Lê Việt Cường, phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong). Cường là điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình 'Kinh doanh kết hợp trồng cây ăn quả chất lượng cao' vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen tại buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa được tỉnh tổ chức.

Anh Lê Việt Cường phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) kiểm tra sản phẩm tại siêu thị điện máy, nội thất của gia đình.

Anh Lê Việt Cường phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) kiểm tra sản phẩm tại siêu thị điện máy, nội thất của gia đình.

Sinh năm 1994 trong một gia đình có kinh tế khá ở vùng nông thôn, nhưng không vì thế Cường ỷ lại mà nỗ lực học tập tại trường Đại hội Nội vụ và cố gắng trang bị kiến thức thực tế từ quá trình làm việc tại Hà Nội để phát triển kinh tế gia đình.

Cường chia sẻ: Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động, thông qua các cuộc họp và hệ thống loa truyền thanh, tôi đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước với mong muốn phát triển kinh tế ngày càng có hiệu quả cao, môi trường sinh thái được bảo vệ... Gia đình tôi luôn hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào, đặc biệt là thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh. Năm 2017, tôi mở cửa hàng kinh doanh, nhưng đến năm 2019, gia đình mới mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh mặt hàng điện tử, điện lạnh, nội thất, kinh doanh nhà nghỉ và vừa trồng cây có múi, cây ăn quả.

Ngoài kinh doanh dịch vụ, gia đình Lê Việt Cường còn trồng 2 ha cây có múi, cây ăn quả, bao gồm các loại cây cam lòng vàng, cam V2, cam Xã Đoài và na, hiện đang trong thời kỳ kinh doanh. Riêng cây ăn quả cho thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm. Với mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp trồng cây ăn quả chất lượng cao đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Năm 2021, 2022, trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về từ 600 - 800 triệu đồng. Mô hình kinh tế của gia đình tạo việc làm ổn định cho từ 8 - 12 lao động tập trung để kinh doanh mặt hàng điện tử, điện lạnh, nội thất, kinh doanh nhà nghỉ. Ngoài ra, gia đình còn thuê thêm nhân công để chăm sóc vườn cam, mức lương trung bình từ 5 - 8 triệu đồng/nhân công/tháng. Những tháng cao điểm mùa vụ có thể thuê tới hơn 20 nhân công. Từ mô hình phát triển kinh tế, trong những năm qua, gia đình anh thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ các hộ trong xóm ổn định về kinh tế. Các thành viên trong gia đình luôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt nội quy, hương ước nơi cư trú; tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động; đóng góp các loại quỹ ủng hộ từ thiện như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Ngày vì người nghèo,phòng chống thiên tai, nạn nhân chất độc da cam... với số tiền từ 25 - 30 triệu đồng/năm.

Đưa chúng tôi đến thăm cửa hàng nội thất mới được đầu tư xây dựng quy mô 400 m2 với nhiều sản phẩm trưng bày đẹp mắt trên đường liên xã Tây Phong - Dũng Phong, Cường tâm sự: Hiện tại, với cương vị là Bí thư Đoàn xã Tây Phong, tôi mong muốn mô hình kinh tế của gia đình ngày càng giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có lực lượng thanh niên trên địa bàn, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH trên địa bàn.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/179631/ong-chu-tre-thanh-cong-voi-mo-hinh-kinh-doanh-ket-hop-trong-cay-an-qua-chat-luong-cao.htm